Các pha tai nạn nghiêm trọng khi diễn xiếc, ảo thuật

10-02-2015 08:47 | Y học 360
google news

SKĐS - Vụ Trần Tấn Phát uống nhầm axít không phải lần đầu tiên người biểu diễn các pha xiếc, ảo thuật nguy hiểm phải nhập viện cấp cứu.

Tai nạn uống nhầm axít trong lúc biểu diễn của thí sinh Got Talent Trần Tấn Phát vừa qua như một hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn khi biểu diễn nghệ thuật. Đây không phải lần đầu tiên người biểu diễn các pha xiếc, ảo thuật nguy hiểm phải nhập viện cấp cứu.

Uống axít, nguy hiểm khôn lường

Trong màn ảo thuật tại chương trình tìm kiếm tài năng Việt tối 11/1, thí sinh Trần Tấn Phát đã uống nhầm ly nước chứa axít. Bệnh nhân đã được chuyển vào Bệnh viện quốc tế Columbia.

Trưa 12/11, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Columbia (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết thí sinh Got Talent Trần Tấn Phát được chẩn đoán bị bỏng rộp vùng lưỡi và môi độ 1 do axít.

Bệnh viện đã xử trí ban đầu bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, súc miệng nhiều lần bằng nước muối và truyền dịch.

Dù bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, sinh hiệu bình thường nhưng vẫn đáng lo ngại vì tổn thương do axít sẽ ăn mòn từ từ.

Thí sinh Phát kể với bác sĩ kịp thời phun ngụm axít ra nhưng lại uống luôn ly nước trắng vào bụng (thay vì súc miệng rồi nhổ ra). Lo ngại bệnh nhân uống phải axít loãng, có nguy cơ biến chứng đường tiêu hóa, sau khi hội chẩn, ban giám đốc Bệnh viện Quốc tế Columbia quyết định chuyển anh này qua Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị chuyên sâu.

Bệnh nhân Trần Tấn Phát được chuyển đến khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 9h45 phút ngày 12/1.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng - tạo hình của bệnh viện cho biết thí sinh Got Talent bỏng vùng họng miệng, tổn thương độ 2 do axít.

Dù bệnh nhân không có các biểu hiện biến chứng đường tiêu hóa thường thấy như các cơn đau thượng vị, nhưng bệnh viện vẫn cho nội soi để kiểm tra đường tiêu hóa.

Các biến chứng tiêu hóa xảy ra do a xít nặng nhất sẽ là xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày.

Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân đã nhấp phải là axít sunfuric loãng do tự lấy từ bình ắc - quy.

Trong trường hợp nhẹ nhất, chỉ bị tổn thương khu trú ở vùng miệng, bác sĩ Đạo đánh giá Trần Tấn Phát phải nằm viện theo dõi ít nhất 10 ngày.

“Dù ra viện nhưng hậu quả phỏng axít vẫn để lại di chứng là các vết sẹp trong thành miệng, niêm mạc miệng, cản trở nhai nuốt về sau”, bác sĩ Đạo nói.

Để tránh nhiễm trùng, Trần Tấn Phát đang được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Lẽ ra với trường hợp bị bỏng do nuốt axít như trên, bệnh nhân phải được cho uống lòng trắng trứng hoặc mật ong để sơ cứu ngay.

Thủng thực quản vì nuốt kiếm

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng điều trị cho một bệnh nhân gặp tai nạn trong lúc diễn xiếc.

Bệnh nhân tên Lê Phước C., sinh năm 1994, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long, chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 6 h ngày 1/1/2013. Anh C. học nghề nuốt kiếm dạo được khoảng 1 năm nay.

Theo lời kể của người nhà nạn nhân, đêm giao thừa (31/12) vừa qua, anh C. biểu diễn nuốt kiếm ngoài đường, chẳng may bị một người chạy xe máy đụng ngã.

Sau đó, anh C. vẫn rút được kiếm ra, trở về nhà mới thấy tức ngực, khó thở.

Bệnh nhân đến bệnh viện địa phương khám, kết quả nội soi kết luận thực quản của anh C. thủng một lỗ 2cm.

Sau khi thăm khám, Bác sĩ Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kết luận bệnh nhân bị áp-xe trung thất do thủng thực quản.

Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát và ngoại lồng ngực của Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở.

Khi mở liên sườn số 5 bên phải, bác sĩ phát hiện khoảng 400ml dịch tiêu hóa đã chuyển sang màu đục trong trung thất. Mặt trước trung thất có lỗ thủng 2cm.

Ê kíp phẫu thuật đã bơm rửa sạch vết thương bằng kháng sinh phổ rộng, dẫn lưu dịch ra ngoài và khâu lại chỗ thực quản bị thủng.

Anh Trần Tấn Phát (ngồi) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo bác sĩ Đông, trước đây các ca bị thủng thực quản đoạn trung thất như anh C. nguy cơ tử vong lên tới gần 100% vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

“Dù vết thương được bơm rửa sạch nhưng vẫn có thể nhiễm trùng, bục ra do chính nước bọt của bệnh nhân”, bác sĩ Đông nói.

Bệnh nhân vẫn phải nằm hồi sức tích cực lâu dài, thời gian để hồi phục phải mất tới vài tháng. Di chứng mà các bác sĩ lo ngại với bệnh nhân này là sẹo hẹp thực quản.

Điều đó không chỉ khiến C. nuốt thức ăn khó khăn, nặng hơn nữa vết thương sẽ nhiễm trùng lặp đi lặp lại, gây mệt mỏi, tốn kém.

Trước đây, bệnh viện cũng từng cứu chữa cho vài trường hợp nuốt kiếm biểu diễn tự phát tương tự, may mắn tất cả đều thoát chết trong gang tấc.

Thực quản của con người dài khoảng 30cm. Khi đút kiếm vào nhờ sự chủ động có tính toán và luyện tập nên người nuốt có thể không sao. Lúc rút kiếm ra mới là thời điểm dễ gây tổn thương cho thực quản nhất bởi chỉ cần sơ suất, rút hơi nhanh hoặc hồi hộp làm thực quản co thắt cũng có thể khiến lưỡi kiếm cứa vào thành thực quản.

Từ đó, các bác sĩ cảnh báo, dù là biểu diễn nghệ thuật, xiếc, vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các phương án, đảm bảo an toàn cho người diễn, không thể coi nhẹ tính mạng, sức khỏe, dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Phương Khánh

 


Ý kiến của bạn