Các ông lớn “chăm sóc” Myanmar

30-05-2013 15:04 | Quốc tế
google news

Myanmar đang khiến các nước lớn thèm khát những cơ hội đầu tư mới. Đất nước trước đây vốn luôn là một bí ẩn đối với thế giới, bị cô lập với bên ngoài bởi một chế độ quân sự độc tài.

Myanmar đang khiến các nước lớn thèm khát những cơ hội đầu tư mới. Đất nước trước đây vốn luôn là một bí ẩn đối với thế giới, bị cô lập với bên ngoài bởi một chế độ quân sự độc tài. Đến nay, sau một thời gian, Myanmar đang biến đổi thực sự và đang trở thành một điểm đến cực kỳ hấp dẫn cho bất kỳ quốc gia nào đang tìm kiếm những vùng đất mới để đầu tư.

Chạy dọc theo biển Andaman và vịnh Bengal, 2 tuyến đường biển ngang qua eo Malacca và đổ vào biển Đông, Myanmar có vị trí địa lý rất quan trọng với nền kinh tế và quốc phòng của Nhật Bản. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến Myanmar. Chuyến công du Myanmar 3 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 24/5 vừa qua là cơ hội để Tokyo thông báo một loạt biện pháp kinh tế và thương mại trợ giúp quốc gia Đông Nam Á đầy hứa hẹn này. Tháng 4/2012, Chính phủ Nhật Bản thuộc phe trung tả đã xóa nợ cho Myanmar gần 3 tỷ USD. Trong chuyến công du Myanmar mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe, cầm đầu cánh hữu Nhật Bản thông báo, bỏ luôn món nợ còn lại là 1,5 tỷ USD, không tính “bao thư 100 tỷ yên” viện trợ thêm, tức gần 1 tỷ USD.

Các ông lớn “chăm sóc” Myanmar 1
 Tổng thống Mỹ nghênh tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Washington.

Chính sách Myanmar của Nhật Bản rất bền bỉ. Chuyên gia Masahiko Tanaka, đại diện của JICA, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật tại Rangoon nhận định là từ năm 1960 đến nay, khác với phương Tây, không bao giờ Tokyo “bỏ rơi” Myanmar. Chuyên gia thuộc cơ quan hợp tác của Nhật Bản hoạt động tại chỗ. Một trong những nhược điểm của Myanmar là thiếu chuyên viên đã được Nhật Bản tận tình đào tạo tại chỗ cũng như đưa sang Nhật tập huấn 300 người mỗi năm.

Trung Quốc đang là nước dẫn đầu về đầu tư tại Myanmar với con số 15 tỷ USD (chiếm 35% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài tại Myanmar); có khoảng 175 doanh nghiệp và hơn 90 dự án, nhà máy sản xuất các loại hàng hóa. Từ tháng 1/2012 đến nay, tổng lượng vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào Myanmar đã đạt 2,8 tỷ USD với các dự án chủ yếu như dầu khí, cơ sở hạ tầng, thủy điện, khai thác tài nguyên. Trong đó hầu như Trung Quốc độc chiếm các dự án thủy điện tại Myanmar, với khoảng 55 công ty đang làm chủ hơn 70 dự án xây dựng và quản lý đập thủy điện tại đây.

Hoa Kỳ tuy không đầu tư nhiều vào Myanmar nhưng lại có những động thái hết sức thiện chí với quốc gia này. Sau khi nghênh tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Washington, phải chăng Hoa Kỳ sắp mau chóng bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt Myanmar? Câu hỏi này đã được giới quan sát nêu lên sau khi ghi nhận ba chỉ dấu được cho là đi theo chiều hướng đó: từ thái độ rất thân thiện của Tổng thống Mỹ Obama cho đến quyết định ký kết một hiệp định thương mại song phương, và đặc biệt nhất là quan điểm ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận của một thượng nghị sĩ đầy thế lực. Vào ngày 21/5/2013, trong một động thái thể hiện hơn nữa sự ủng hộ của Mỹ đối với Myanmar, hai nước này đã ký kết một thỏa thuận khung về Đầu tư và Thương mại nhằm đẩy mạnh thương mại, đầu tư song phương. Việc có một hiệp định thương mại và đầu tư song phương, dù chỉ là một thỏa thuận khung, được cho là tiền đề không thể thiếu trong việc bình thường hóa toàn diện bang giao giữa hai nước, mà việc bãi bỏ cấm vận đang được Mỹ áp dụng trên Myanmar là một hệ quả tất yếu.

Liên minh châu Âu tuy chưa có sự đầu tư trực tiếp nào vào Myanmar, kể cả các thành viên. Tuy nhiên, việc EU chấp nhận dỡ bỏ lệnh trừng phạt về kinh tế, giữ lại lệnh trừng phạt quân sự đối với Myanmar cũng là tín hiệu cho thấy EU thực sự quan tâm đến quá trình biến đổi của nước này. EU đã thông qua chương trình “Tái khôi phục các ưu đãi thương mại” cho Myanmar với 6 nội dung quan trọng mở đường cho các doanh nhân EU đầu tư vào Myanmar.

Hai định chế tài chính thế giới cũng đã đến Myanmar và đặt văn phòng tại đây, đó là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, WB đã cấp cho Myanmar một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 85 triệu USD để giúp người dân Myanmar thông qua các dự án đầu tư vào trường học, đường sá, nước sạch... Kèm theo đó, WB cũng tuyên bố Myanmar đủ tiêu chuẩn để được nhận vốn vay không lãi suất từ Tổ chức Phát triển Quốc tế (IDA), một quỹ của WB dành cho các quốc gia nghèo nhất, một khi Myanmar trả hết số tiền 397 triệu USD còn thiếu nợ WB.

 (Theo Bloombergs, AFP)

Song Minh




Ý kiến của bạn