Các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Ứng phó với kháng thuốc để loại trừ sốt rét trước năm 2030

17-01-2018 07:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện các ký sinh trùng sốt rét đã kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả artemisinin - là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện có. Cho đến nay, đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5/6 nước GMS (tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng), bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa do kháng thuốc gây ra là các nước Tiểu vùng Mê Kông có hành động khẩn cấp để cùng nhau loại trừ sốt rét...

Cam kết từ các nước

Tại một hội nghị cấp cao do Bộ Y tế Myanmar phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Các nhà lãnh đạo chống sốt rét châu Á Thái Bình Dương (APLMA) nhóm họp mới đây, đại diện của 6 nước đã nhấn mạnh rằng, loại trừ sốt rét trong Tiểu vùng Mê Kông đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và phối hợp, với sự hỗ trợ của các đơn vị thực hiện, các nhà tài trợ và nhiều đối tác khác.

Cuộc họp cam kết: Đảm bảo kinh phí đầy đủ cho các hoạt động loại trừ sốt rét trong tiểu vùng, kể cả nguồn ngân sách bổ sung trong nước; Cải thiện hợp tác xuyên biên giới và thiết lập một cơ quan giám sát độc lập, trong đó WHO sẽ đóng vai trò thư ký; Tăng cường hệ thống để phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp sốt rét, kể cả sốt rét kháng thuốc; Cung cấp các biện pháp dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc tốt nhất có thể cho tất cả những người có nguy cơ mắc sốt rét kể cả dịch vụ miễn phí cho những người thuộc dân tộc thiểu số và dân di cư, sống lưu động như một phần của phạm vi bảo hiểm y tế toàn dân; Đảm bảo rằng các loại thuốc sốt rét sẵn có đều an toàn và có hiệu quả khi sử dụng; Mời tất cả các ngành có liên quan lại với nhau để chuyển các chính sách thành các hoạt động có giới hạn thời gian và hướng đến kết quả cụ thể; Và cộng đồng tham gia công tác loại trừ sốt rét bằng cách sử dụng các công cụ truyền thông sáng tạo.

“Muỗi Anopheles không cần hộ chiếu hay thị thực để bay qua biên giới. Các nước phải làm việc cùng với nhau chặt chẽ hơn nữa như trong cùng một khu vực, với cùng một chiến lược nhắm đến việc loại trừ sốt rét. Tăng tốc loại trừ sốt rét ở Khu vực Mê Kông sẽ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống hôm nay, nó còn giúp giải phóng các thế hệ tương lai khỏi tai họa sốt rét và sẽ là tấm gương cho các khu vực khác của thế giới”. TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình nhấn mạnh.

Tẩm màn hóa chất diệt côn trùng phòng chống sốt rét.

Tẩm màn hóa chất diệt côn trùng phòng chống sốt rét.

Nỗ lực của WHO

Để giúp các chính phủ đạt mục tiêu loại trừ sốt rét, WHO sẽ giúp các nước: Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn cũng như chính sách về phòng chống và loại trừ sốt rét; Hỗ trợ các nước điều chỉnh, thông qua và thực hiện các quy chuẩn của WHO áp dụng cho toàn cầu nhằm phòng chống và loại trừ sốt rét; Trợ giúp các nước trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược sốt rét quốc gia; Giúp các nước phát triển mạnh mẽ hệ thống giám sát sốt rét và đáp ứng với đề xuất của các nước để giải quyết các mối đe dọa, các tình huống khẩn cấp và các vấn đề bế tắc.

Các nỗ lực phòng chống sốt rét gần đây ở Tiểu vùng Mê Kông đã đạt được kết quả ấn tượng. Theo ước tính mới nhất của WHO, các ca sốt rét ở 6 nước trong Tiểu vùng Mê Kông đã giảm khoảng 74% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016. Các ca tử vong do sốt rét đã giảm xuống 91% so với cùng kỳ.

Tiến bộ này có thể đạt được là nhờ cách tiếp cận tốt hơn với các công cụ phòng chống sốt rét hiệu quả, đặc biệt là các liệu pháp kết hợp điều trị sốt rét dựa vào artemisinin, xét nghiệm chẩn đoán nhanh và màn tẩm hóa chất chống côn trùng. Từ năm 2012, cung cấp trọng điểm các phương tiện này cho các nhóm dân yếu thế đã cơ bản gia tăng trong Tiểu vùng, dẫn đến kết quả cũng tăng lên. Tình hình kháng thuốc sốt rét, nếu không được giải quyết khẩn trương, có thể hủy hoại những thành quả này.

Sốt rét là căn bệnh đe dọa đến tính mạng gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium lây truyền cho con người khi bị muỗi cái Anopheles mang mầm bệnh đốt phải. Các công cụ phòng chống sốt rét do WHO khuyến cáo bao gồm: màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, phun thuốc diệt muỗi trong nhà, điều trị dự phòng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, xét nghiệm chẩn đoán nhanh và điều trị các ca mắc sốt rét bằng thuốc chống sốt rét có hiệu lực.

Hiện Việt Nam đã đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới loại trừ sốt rét những năm gần đây. So với 10 năm trước (2006), các ca sốt rét ở Việt Nam đã giảm 81,6% và các ca tử vong giảm xuống 92,7%. Trong năm 2016, có 4.161 ca sốt rét trong nước với 3 ca tử vong. Con số giảm ấn tượng này đạt được có thể là nhờ vào cam kết mạnh mẽ và các khoản đầu tư to lớn cho lĩnh vực phòng chống sốt rét của Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác phát triển quốc tế.

Chính phủ Việt Nam nhận được cam kết mạnh mẽ dành cho mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 ở Việt Nam bằng Chiến lược Quốc gia Phòng chống và Loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Trong năm 2015 và 2016, có 4 nghiên cứu do Chương trình Quốc gia Phòng chống Sốt rét Việt Nam (NMCP) phối hợp với WHO đã cho thấy tỷ lệ thất bại cao khi điều trị bằng dihydroartemisinin-piperaquine (DHA-PIP) ở tỉnh Bình Phước. DHA-PIP là thuốc được sử dụng nhiều nhất để điều trị sốt rét ở Việt Nam, kể từ khi Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để ứng phó mối đe dọa sốt rét kháng artemisinin theo khuyến cáo quốc tế của WHO.


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn