Hà Nội

Các nước thu nhập thấp, cứ 500 người mới có 1 người được tiêm vắc xin COVID-19

11-04-2021 09:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cho đến nay, hơn 700 triệu liều vắc xin đã được phân phối trên toàn cầu nhưng 87% là ở các quốc gia có thu nhập cao đến trung bình, các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2% số liều vắc xin. Tại các nước thu nhập thấp, cứ khoảng 500 người mới có 1 người được tiêm vắc xin COVID-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, có  một "sự mất cân bằng đáng kinh ngạc" trong việc phân phối vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia không có đủ mũi tiêm  cung cấp cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao.

Chỗ thì vắc xin có sẵn, nơi chưa biết đến mũi tiêm

Đến thời điểm này, có khoảng hơn 700 triệu liều vắc xin đã được phân phối trên toàn cầu nhưng 87% là ở các quốc gia có thu nhập cao đến trung bình, các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2% số liều vắc xin.

"Trung bình ở các nước thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người được tiêm vắc xin COVID-19. Ở các nước thu nhập thấp, cứ hơn 500 người thì có 1 người được tiêm vắc xin này",  ông Tedros cho biết trong một cuộc họp báo.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Theo phân tích dữ liệu được thu thập bởi Bloomberg Vaccine Tracker, tính đến ngày 8/4, đã có đủ vắc xin để tiêm đủ cho 5% dân số toàn cầu nhưng sự phân bổ đang nghiêng về phía các quốc gia giàu có. Hầu hết vắc xin được chuyển đến những nước giàu có nhất. Cụ thể, 40% vắc xin ngừa COVID-19 được chuyển đến 27 nước giàu có, chiếm 11% dân số toàn cầu. Có một thực tế đáng buồn là các nước giàu đang phổ cập vắc xin nhanh gấp 25 lần so với các quốc gia có thu nhập thấp.

Cụ thể, trong số hơn 700  triệu liều vắc xin đã được phân phối, riêng Mỹ chiếm 24% tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới nhưng chỉ chiếm 4,3% dân số toàn cầu. Trong khi đó, Pakistan chỉ chiếm 0,1% tỷ lệ tiêm vắc xin dù chiếm 2,7% dân số thế giới.

Hiện nay, gần một nửa số quốc gia trên toàn cầu có tỷ lệ tiêm vắc xin chưa tới 1% dân số. Số liệu này chưa tính tới 40 quốc gia nghèo nhất thế giới mà chưa công khai dữ liệu tiêm chủng. Nhóm này chiếm 8% dân số toàn cầu.

Châu Phi  xếp cuối bảng  vì rất ít người được tiêm chủng. Trong số 54 quốc gia châu Phi, chỉ có 3 nước đạt tỷ lệ tiêm chủng là 1% dân số. Hơn 20 quốc gia trong nhóm này thậm chí còn chưa biết tới vắc xin là gì.

Chương trình cung cấp vắc xin COVAX đã cung cấp gần 38,4 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho 102 quốc gia trên 6 lục địa. Liên minh vắc-xin GAVI và WHO cho biết, chương trình đã  được triển khai trong suốt 6 tuần qua. COVAX đang đặt mục tiêu cung cấp hơn 2 tỷ liều vắc xin trong năm nay cho các nước nghèo tuy nhiên chương trình này cũng đang phải đối mặt với sự chậm trễ do nguồn cung thiếu hụt.

Các quốc gia giàu có được tiêm vắc xin nhiều hơn các quốc gia có thu nhập thấp

"Chúng tôi hy vọng có thể bắt kịp kế hoạch vào  tháng 4 và tháng 5.", ông  Tedros nói. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới còn kêu gọi các quốc gia bắt đầu tiêm chủng: “Chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi bắt đầu tiêm chủng ở các quốc gia trong 100 ngày đầu tiên của năm. Ngày 10/4 là ngày thứ 100. Tuy nhiên, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 194 quốc gia bắt đầu tiêm chủng còn 26 nước chưa bắt đầu tiêm chủng. 12 quốc gia đã nhận và chuẩn bị nhận vắc xin  và có thể triển khai trong những ngày tới, trong khi 14 quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng vì nhiều lý do”.

Việc tiêm vắc xin  AstraZeneca - trụ cột của chương trình COVAX - bị ảnh hưởng bởi những quan ngại về tính an toàn sau khi có báo cáo về cục máu đông ở một số người được tiêm vắc xin. Mặc dù vậy cả WHO và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng, vẫn nên tiêm vắc xin bởi lợi ích của nó lớn hơn nguy cơ.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng phân phối vắc xin không công bằng

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng phân phối vắc xin không công bằng là do, thiếu cam kết chính trị và sự đoàn kết toàn cầu. Đây là “nguyên nhân của mọi nút thắt” trong việc đảm bảo phân phối công bằng vắc xin COVID-19 cho các nước thu nhập thấp.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, thiếu những cam kết trính trị và sự đoàn kết toàn cầu dẫn tới tình trạng phân phối vắc xin không công bằng

Tại  cuộc thảo luận trực tuyến do Ngân hàng Thế giới tổ chức, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay,  các quốc gia nên từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 của họ để cho các nước khác  dễ tiếp cận vắc xin  hơn.  Ngoài ra, các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới về sở hữu trí tuệ  cũng nên được xem xét  trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch.

Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra một đề xuất nhằm tìm kiếm sự nới lỏng các quy định của WTO về sản xuất và xuất khẩu vắc xin và các loại hàng hóa y tế quan trọng khác cần thiết để trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nơi. Việc miễn trừ một số quy  định  sẽ cho phép các quốc gia nghèo hơn không có phương tiện phát triển vắc-xin và các công nghệ y tế khác có cách cứu giúp công dân của mình  mà không lo bị trả đũa thương mại.


Hải Yến
Ý kiến của bạn