Các nước thích ứng thế nào với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi?

09-12-2022 07:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi các quốc gia thực hiện những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổiDân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

SKĐS - Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tình trạng này đặt ra thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của lớp người đáng kính này.

Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Có thể nhận thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều đang chứng kiến sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển cần đến hơn một hoặc một thập kỷ để nâng số dân trên 65 tuổi từ 7% lên 14% như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (69 năm), Canada (65 năm), Vương quốc Anh (45 năm), còn Việt Nam sẽ chỉ phải mất 18 năm để đạt được điều này.

Báo cáo tóm tắt Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và Thách thức của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nêu rõ, già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Điều này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của xã hội.

Trên thế giới, cứ một giây, có hai người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi – trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi. Hiện nay trên thế giới cứ 9 người có một người từ 60 tuổi trở lên và con số này dự tính đến năm 2050 sẽ tăng lên là cứ 5 người sẽ có một người từ 60 tuổi trở lên. Do vậy, hiện tượng già hóa dân số không thể không được quan tâm.

Các nước thích ứng thế nào với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi? - Ảnh 2.

Già hóa dân số - Một vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm. Ảnh: Hà Linh

Kinh nghiệm của các quốc gia bước vào xã hội già hóa dân số trước Việt Nam cho thấy, việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội khi tỷ lệ người cao tuổi tăng. Ví dụ ở Canada, sự gia tăng tỷ trọng người cao tuổi làm tăng khoảng 1,3% GDP chi tiêu y tế bình quân đầu người.

Còn ở Nhật Bản, ngân sách tài khóa năm 2022 đã dành đến 36.270 tỷ Yên, chiếm tới 1/3 ngân sách để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh. Đây là mức chi lớn nhất từ trước tới nay của Nhật Bản cho vấn đề an sinh xã hội, cho thấy tình trạng già hóa dân số tiếp tục là thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dù đã có sự chuẩn bị rất sớm.

Tại Singapore, chính phủ đảo quốc sư tử cũng đầu tư đáng kể vào các sáng kiến học tập suốt đời để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Từ 2014, nước này cũng cung cấp cho mỗi người dân từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng mở đầu 500 USD và được bổ sung định kỳ để họ tham dự các khóa học kỹ năng phát triển bản thân.

Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nhiều sáng kiến nhằm động viên các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn được đưa ra, như hỗ trợ 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã đối diện với quá trình già hóa dân số một cách tích cực, tận dụng cơ hội để xây dựng "nền kinh tế bạc" - nền kinh tế liên quan đến những người cao tuổi, thông qua việc thúc đẩy người cao tuổi đóng góp hữu ích đối với xã hội và kinh tế; đồng thời nâng cao sự gắn kết của họ với các thế hệ trẻ tuổi hơn...

Các nước thích ứng thế nào với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi? - Ảnh 3.

Ứng dụng công nghệ số giúp "già hóa năng động"

Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết xung quanh câu chuyện về già hóa dân số. Song hiện nay, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ số để thích ứng năng động với già hóa dân số trong bối cảnh số hóa.

Khu vực ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Dự báo số người cao tuổi sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050. Năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ACAI) như một sự chủ động thích ứng với già hóa dân số của ASEAN. Sứ mệnh chính của ACAI là hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc hoạch định, thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức và tăng cường năng lực cho mỗi quốc gia thành viên.

Ông Suwit Wibulpolprasery, Chủ tịch Hội đồng ACAI nhấn mạnh: "Người cao tuổi ở mỗi một quốc gia đều đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ và có thể cả nguồn tài chính khổng lồ. Họ nên được coi là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Chúng ta sẽ yêu cầu những đổi mới đáng kể về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này".

Già hóa dân số không những mở ra những cơ hội nhất định trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, du lịch… mà còn mang đến rất nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực, trong đó bao gồm chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Người cao tuổi là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Theo đại diện UNFPA tại Việt Nam, cả vấn đề già hóa dân số và số hóa đều là một phần của xu hướng lớn của thế giới mà tất cả chúng ta phải đáp ứng. Công nghệ kỹ thuật số đang tiếp tục định hình lại cách chúng ta tiếp cận thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc. Đại dịch COVID-19 chỉ làm cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn: tiếp cận kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Hơn bao giờ hết, khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.

"Chúng ta tận dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số đối với quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho những đổi mới trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người cao tuổi" - UNFPA cho hay.

GS.TS.BS. Jakub Tolar - Phó Chủ tịch phụ trách lâm sàng, Hiệu trưởng Trường Y, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ cũng chia sẻ, với dân số nông thôn đông đúc, nhiều người cao tuổi của chúng ta bị cô lập. Sử dụng công nghệ (ví dụ như đồng hồ thông minh) để theo dõi sức khỏe và hoạt động của họ từ xa là một cách họ có thể già đi tại chỗ và giữ được sự độc lập của mình....

Các chuyên gia cho rằng, già hóa dân số tạo nên những thách thức cho các chính phủ và xã hội, nhưng không nên coi già hóa dân số như một khủng hoảng mà cần có những kế hoạch nhằm biến các thách thức này thành cơ hội.

Thế giới đạt 8 tỷ ngườiThế giới đạt 8 tỷ người

SKĐS - Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố, ngày hôm nay 15/11 dân số thế giới đạt 8 tỷ người.


Mai Hồ
Ý kiến của bạn