Phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Dan Kritenbrink đã kêu gọi Trung quốc ngừng ngay các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. “Chúng tôi cho rằng thật tốt nếu Chủ tịch Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa đối với toàn bộ Biển Đông”, ông Dan Kritenbrink nhấn mạnh. “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực không có những bước đi làm leo thang căng thẳng”.
Động thái trên diễn ra sau những cuộc khẩu chiến giữa Trung quốc và Mỹ về việc Trung Quốc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu, và cả radar trên các đảo đang có tranh chấp.
Máy bay Trung quốc bay thử nghiệm tại các đảo có tranh chấp trên Biển Đông.
Theo ông Kritenbrink, Trung quốc nên tôn trọng phán quyết dự kiến được Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay đưa ra vào cuối năm nay liên quan tới vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Trung quốc liên tục hiện thực hóa ý đồ quân sự hóa Biển Đông bằng việc xây dựng các đường băng, tiến hành các chuyến bay thử nghiệm và bố trí hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng đã bị Trung quốc chiếm đóng năm 1974.
Trước đó, khi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định với các hoạt động quân sự hóa, Trung Quốc đang làm thay đổi cảnh quan ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng các nỗ lực bồi đắp và xây dựng căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm gia tăng sự phản đối của các nước láng giềng. “Tác động từ cách hành xử của Trung Quốc là nước này đang tự cô lập mình và khuyến khích các nước láng giềng có những hành động chống lại Trung Quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nói trong cuộc điều trần tại Ủy ban chuẩn chi ngân sách Hạ viện Mỹ tuần qua.
Không chỉ có Mỹ, hàng loạt các quốc gia đã lên tiếng phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung quốc. Phát biểu sau cuộc đàm phán ở thủ đô Tokyo với Quốc vụ khanh Ngoại giao và Thương mại Australia Peter Varghese và Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về các động thái nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung quốc. “Chúng tôi có cùng quan điểm về sự cần thiết phải thiết lập một quy tắc mới trong khu vực nhằm đảm bảo việc thực thi luật pháp và tự do hàng hải”, ông Saiki nói.
Trả lời báo chí về tình hình Biển Đông hôm 25/2 về các hoạt động quân sự hóa của quân đội Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nhấn mạnh “Tất cả các quốc gia cần phải tránh hành động đơn phương ở Biển Đông dẫn tới căng thẳng trong khu vực”.
Trước những diễn biến trên Biển Đông, Australia đang xem xét khả năng tăng chi tiêu quốc phòng lên 81% trong 10 năm tới. Nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ để tăng cường năng lực hải quân sau các động thái gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Hôm 27/2, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã phát hành Sách Trắng Quốc phòng 2016 trong đó nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục là quốc gia quân sự hàng đầu trong 20 năm tới và Australia sẽ tiế tục là đối tác chiến lược nhất của Mỹ. “Chính sách sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, bao gồm hiện đại hóa quân sự sẽ tác động lớn đến sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương", Bloomberg dẫn lời Sách Trắng Quốc phòng Australia.