Thông cáo của Nhà Trắng cho biết, đây là cuộc họp đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kể từ tháng 4. Đây sẽ là một hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận về các vấn đề nóng của khối hiện nay như đại dịch COVID-19 và kinh tế thế giới.
“Hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới là cơ hội cho Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về các kế hoạch ngăn chặn đại dịch COVID-19 và xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu”, Nhà Trắng cho biết trong tuyên bố.
Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào phản ứng toàn cầu đối với việc sản xuất và phân phối vắc xin ngừa COVID-19 cũng như “tiếp tục nỗ lực huy động và hợp tác chống lại mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên bằng cách xây dựng năng lực quốc gia và thiết lập quỹ an ninh y tế dự phòng”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Dự kiến, qua cuộc họp trực tuyến này, Người đứng đầu nước Mỹ Joe Biden sẽ có bước đi nhằm tái lập lại quan hệ giữa Mỹ với thế giới và với các thể chế toàn cầu sau 4 năm dưới thời cựu Tổng thống Trump theo đuổi tuyên bố “Nước Mỹ trên hết”. Ông đã rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hiệp định khí hậu Paris và một số các tổ chức và nhóm đa phương.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và WHO, đồng thời đã báo hiệu sự quan tâm trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như UNESCO.
Thách thức Trung Quốc
“Tổng thống Joe Biden cũng sẽ thảo luận về sự cần thiết phải đầu tư để tăng cường khả năng cạnh tranh tập thể của chúng ta và tầm quan trọng của việc cập nhật các quy tắc toàn cầu để đối phó với những thách thức kinh tế như những thách thức do Trung Quốc đặt ra”, Nhà Trắng cho biết.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thách thức Trung Quốc về các chính sách thương mại của họ bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt thuế quan - một công cụ mà đã nhận nhiều chỉ trích là không có cách tiếp cận thống nhất. Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố sẽ khiến nước này chịu trách nhiệm về các hành vi gián điệp kinh tế và các vấn đề thương mại tranh chấp khác.
Trong nước, ông Joe Biden đang thúc giục Quốc hội thông qua gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và cứu trợ những người đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ thảo luận chương trình nghị sự về kinh tế của mình với các đối tác G7 và khuyến khích họ cũng như tất cả các nước công nghiệp phát triển duy trì "hỗ trợ kinh tế cho sự phục hồi" và các biện pháp tập thể khác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói chuyện với những người đồng cấp G7 vào tuần trước và kêu gọi tiếp tục hỗ trợ tài chính để đảm bảo sự phục hồi kinh tế.
Biến đổi khí hậu dự kiến cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.