Triều Tiên hôm 9/9 đã tiến hành thử thành công vụ nổ mang đầu đạn hạt nhân. Phía Hàn Quốc cho rằng, vụ nổ có sức công phá khoảng 10 kiloton, gấp hai lần so với vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Triều Tiên hồi tháng 1 và chỉ nhẹ hơn một ít so với quả bom nguyên tử Hiroshima năm 1945. Đây được cho là vụ thử nghiệm hạt nhân có sức công phá lớn nhất mà Triều Tiên từng tiến hành từ trước đến nay.
Nhận định về động thái của Triều Tiên, Bộ ngoại giao Hàn Quốc hôm 10/9 cho biết năng lực phát triển công nghệ hạt nhân của Triều Tiên “đã đạt đến mức độ đáng kể”. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng, vụ thử hạt nhân chứng tỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không thay đổi lập trường của mình.
Ở một khía cạnh khác, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết nước này đã bắt đầu những biện pháp khẩn cấp để giám sát mức độ phóng xạ ở khu vực biên giới với Triều Tiên. Tại Hàn quốc, các cuộc biểu tình đã nổ ra yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các vụ thử hạt nhân của mình. “Người dân Hàn Quốc kêu gọi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Triều Tiên và ngay lập tức tháo dỡ những cơ sở hạt nhân của Triều Tiên”, Park Chan-sung, một người biểu tình nói.
Người dân Hàn quốc biểu tình yêu cầu Triều Tiên ngừng ngay các vụ thử hạt nhân.
Thế giới bất lực?
Ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Tomomi Inada đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Cu và nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng đã làm bùng lên sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. HĐBA LHQ ngày 10/9 đã nhất trí lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng cần các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn cũng như áp lực lớn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, theo hãng tin AFP, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ không khuất phục trước "sự hăm dọa" hạt nhân của Mỹ. Thậm chí, tờ Rodong Sinmun, của đảng Lao động Triều Tiên cho rằng "Mỹ bị chọc tức bởi những bước tiến quân sự mạnh mẽ của Triều Tiên".
Một điểm chung là, kể từ năm 2006, mỗi khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, cộng đồng quốc tế đều sử dụng các biện pháp trừng phạt với quốc gia này. Thế nhưng, các nỗ lực đó không ngăn được tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Thế giới càng chỉ trích và trừng phạt thì Triều Tiên lại càng thử hạt nhân với sức công phá lần sau mạnh hơn lần trước. Vì sao Triều Tiên lại không sợ bị trừng phạt?
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế được giới phân tích đánh giá gần như không gây áp lực được với Triều Tiên. Bởi nước này từ lâu đã bị cấm vận và không lệ thuộc vào hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu.
Cũng từng nhiều lần câu hỏi phải chăng cần thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên được đặt ra. Nhưng nếu thay đổi thì phải bắt đầu từ đâu? Như thế nào? Những câu hỏi trên chưa có ai giải đáp. Và Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử, bất chấp sức ép và sự cô lập.
Đã có nhiều cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức giữa Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tháng 9/2005, sau hơn 2 năm đàm phán, Triều Tiên đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt, ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ về chính trị. Tuy nhiên, thoả thuận trên lại chết yểu vào năm 2009. Năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Châng In qua đời khiến đàm phán rơi vào bế tắc. Khi nhà lãnh đạo Kim Châng Un lên nắm quyền, Triều Tiên đã từng đồng ý ý ngừng chương trình hạt nhân và thử tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa thỏa thuận trên lại chết yểu khi Triều Tiên cố tình thử các vụ tên lửa tiếp theo.
Ở thời điểm này, biện pháp duy nhất các quốc gia đưa ra tiếp tục là áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt quốc tế mới do vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. Mỹ cũng tuyên bố sẽ làm việc để triển khai các biện pháp bổ sung đáng kể, trong đó có các lệnh trừng phạt mới. Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận hành động trên rất có thể lại “dồn” Triều Tiên vào chân tường. Rõ ràng, vấn đề Triều Tiên đang là một bài toán rất hóc búa đối với cộng đồng quốc tế.