Lập trường thận trọng của châu Á
Trong khi Trung Quốc theo đuổi chính sách "không COVID", bắt buộc kiểm dịch các khách sạn hàng tuần thì các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore và Malaysia đang đi theo con đường trung gian, theo đó du lịch không thiết yếu vẫn hạn chế.
Lập trường thận trọng của khu vực châu Á ngày càng mâu thuẫn với châu Âu và Bắc Mỹ, nơi những người đi tiêm chủng, bao gồm cả khách du lịch, có thể đi lại tự do với một số hạn chế nhỏ.
"Châu Á vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể bắt kịp với việc mở cửa trở lại đang diễn ra ở Châu Âu và Bắc Mỹ" - ông Jayant Menon, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở ở Singapore nhận định.
Một trong những lý do của hiện trạng này là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Á chưa được phủ rộng như ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ tiêm chủng đang đạt mức 80%, vẫn chưa công bố mở cửa biên giới dành cho khách du lịch, mặc dù đã nới lỏng các hạn chế đối với một số đối tượng đến như doanh nhân và sinh viên.
Australia, nơi có khoảng 70% dân số được tiêm chủng hai lần, tuyên bố rằng khách du lịch quốc tế sẽ không thể đến quốc gia này cho đến khoảng năm sau.
Malaysia, nơi có 77% người dân đã được tiêm 2 mũi vaccine, hiện vẫn đóng cửa và chỉ có kế hoạch tiếp nhận khách du lịch quốc tế vào tháng Giêng năm tới.
Singapore, nơi hơn 80% dân số đã được tiêm hai liều vaccine, đã nối lại hoạt động du lịch không có kiểm dịch theo từng giai đoạn thông qua kế hoạch làn đường đi lại được tiêm chủng từ tháng tới, dành cho 21 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Capital Economics, lượng khách đến hầu hết châu Á đã giảm 99% so với mức trước đại dịch, so với mức giảm chỉ 20% ở Mexico và khoảng 65% đối với Nam Âu.
Trước đại dịch, châu Á - Thái Bình Dương đón khoảng 291 triệu khách du lịch hàng năm, bổ sung 875 tỷ USD cho nền kinh tế, theo Chỉ số Cạnh tranh Du lịch và Đi lại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019.
Không mong đợi hoạt động du lịch quốc tế ở châu Á sớm phục hồi
Ông Joshua Ng, Giám đốc Công ty Tư vấn Hàng không Alton tại Singapore, nói rằng ông không mong đợi hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi ở mức trước đại dịch cho đến năm 2024 hoặc 2025.
"Các quốc gia châu Á đã chứng tỏ một cách tiếp cận thận trọng và đây là kết quả của một số đợt bùng phát virus khác - như SARS, H1N1, MERs - đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia châu Á trong thế kỷ 21. Phản ứng của đại dịch COVID-19 phản ánh những kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch trước đó. Vào lúc đại dịch bùng phát ban đầu, các quốc gia châu Á là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới và tiến hành phong tỏa các thành phố để kiểm soát sự lây lan của COVID-19" – ông Ng phân tích.
Hy vọng về một sự phục hồi du lịch tại khu vực châu Á nhanh chóng đã bị dập tắt khi mà không chỉ các chính phủ châu Á-Thái Bình Dương né tránh việc mở cửa đi lại nhanh chóng mà Trung Quốc cho biết có thể tiếp tục đóng cửa với thế giới cho đến cuối năm 2022 hoặc thậm chí xa hơn.
Trước đại dịch, khu vực có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tăng gấp đôi nỗ lực loại bỏ COVID-19 bằng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt, kiểm dịch và kiểm tra hàng loạt, ước tính đã làm giảm đi 1/3 tổng số khách du lịch trong khu vực. "Việc Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới thì sự phục hồi du lịch tại châu Á có thể sẽ gặp khó khăn" – ông Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics cho biết.
Một số quốc gia trong khu vực châu Á, bao gồm cả những quốc gia có mức độ bao phủ vaccine không đồng đều, đã thực hiện một cách tiếp cận táo bạo hơn. Ấn Độ, nơi có chưa đến 1/3 dân số được tiêm chủng mũi hai, đã mở cửa trở lại biên giới của mình từ ngày 15/11 đối với khách du lịch từ hơn 90 quốc gia.
Thái Lan, quốc gia dựa vào du lịch, chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trước đại dịch, đã mở cửa trở lại cho khách du lịch từ hơn 60 quốc gia vào ngày 1/11.
Ông Gary Bowerman, giám đốc công ty nghiên cứu du lịch và lữ hành Check-in Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết: "Có rất nhiều lý do để mọi người đi du lịch. Họ đi du lịch vì giáo dục, họ đi du lịch để thăm gia đình và bạn bè, họ đi du lịch để di cư kinh tế… Tôi không nghĩ rằng nhiều chính phủ hoàn toàn hiểu được điều đó, nhưng tôi cho rằng du lịch dần được nối lại"- ông Bowerman nói.
Ông Bowerman dự đoán một giai đoạn khó khăn phía trước khi ngành công nghiệp du lịch chuyển sang hướng mới, sau khi tính đến nhu cầu bị dồn nén giữa những người trở về nhà và thăm bạn bè và gia đình. "Mọi người đang cố gắng đoán và dự đoán nhu cầu đi lại trong năm tới. Không ai nghĩ rằng có tới hai năm mọi người không đi du lịch" – ông Boweman nói.
MV "Tiếng chuông ngân trong gió" do ca sĩ nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng sáng tác, tưởng nhớ nạn nhân COVID-19. (Nguồn video: Youtube Hùng Nguyễn Bá).