Hà Nội

Các nhà sản xuất vắc-xin Việt Nam có tiềm năng đóng góp cho thế giới

24-07-2020 06:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên thế giới vượt quá 15 triệu người, nhiều quốc gia đang chạy đua nghiên cứu vắc -xin phòng COVID-19, trong đó có Việt Nam. Mới đây, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn PV báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề này.

PV: Thưa TS. Kidong Park, ông đánh giá thế nào về năng lực và tiến độ trong sản xuất vắc-xin tại Việt Nam?

TS. Kidong Park: Mặc dù Việt Nam không có ca mắc COVID-19 nào  lây lan trong cộng đồng trong gần 100 ngày qua nhưng tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.  Việc đảm bảo có vắc-xin COVID-19 hiệu quả và an toàn sẽ giúp thế giới ngăn chặn đại dịch COVID-19. Hiện nay, có khoảng 23 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng, ngoài 160 nhà sản xuất vắc-xin đang tiến hành nghiên cứu hiện nay, trong đó có một nhà sản xuất từ Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất nữa cùng tham gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cơ quan điều phối cơ chế tăng tốc tiếp cận các công cụ COVID-19 (ACT), một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển, sản xuất và đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận xét nghiệm, liệu pháp điều trị và vắc-xin COVID-19. Trong hợp phần vắc-xin - được gọi là COVAX - WHO hợp tác với CEPI và Gavi nhằm tối đa hóa quá trình phát triển vắc-xin cũng như việc tiếp cận và phân bổ công bằng vắc-xin cho các quốc gia. Thế giới cần vắc-xin chất lượng cao càng sớm càng tốt và chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm nghiên cứu và phát triển vắc-xin.

Các nhà sản xuất vắc-xin Việt Nam có tiềm năng đóng góp cho thế giớiTS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, Liên minh Vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Khi tham gia Liên minh Vắc-xin, Việt Nam sẽ nhận được những gì trong nghiên cứu và sản xuất vắc-xin?

TS. Kidong Park: Tôi hiểu bạn đang muốn nói đến Cơ chế COVAX (COVAX Facility). Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã được mời tham gia Cơ chế COVAX.  Cơ chế COVAX là nội dung chính của hợp phần COVAX. Đây là cách tiếp cận cấp thiết nhằm có được vắc-xin an toàn và hiệu quả nhanh nhất thông qua cung cấp tài chính giúp chia sẻ rủi ro trong quá trình phát triển vắc-xin, đầu tư trước cho sản xuất vắc-xin nhằm triển khai phân bổ vắc-xin trên quy mô lớn ngay lập tức sau khi vắc-xin được chứng minh chất lượng và tập trung năng lực mua sắm  nhằm đạt khối lượng tối ưu để chấm dứt sự bùng phát của đại dịch.

Theo sáng kiến này, các nước thu nhập cao và các nước thu nhập trung bình cao sẽ tiếp cận được vắc-xin thông qua mua sắm tập trung dùng nguồn tài chính viện trợ. GAVI sẽ hỗ trợ tài chính giúp các nước thu nhập trung bình thấp và các nước thu nhập thấp để mua vắc-xin.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc hợp tác sản xuất vắc-xin? Vắc-xin ngừa COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất có tiềm năng thế nào?

TS. Kidong Park: Hiện nay chưa có vắc-xin COVID-19 nào được phê duyệt.  Các loại vắc-xin khác nhau hiện đang được các nhà sản xuất khác nhau trên thế giới phát triển. Một vài nhà sản xuất hợp tác với nhau nhằm tập trung càng nhiều kiến thức càng tốt để phát triển thành công vắc-xin. COVAX đang làm việc với các nhà sản xuất và các quốc gia nhằm đảm bảo tiếp cận vắc-xin một cách công bằng. Điều quan trọng là chúng ta cần đoàn kết và hợp tác cùng nhau.

PV: Việt Nam hiện đang khống chế khá tốt dịch COVID-19, vậy liệu Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 về lâu dài trong tương lai hay không?

TS. Kidong Park: Nguyên tắc bao trùm sáng kiến toàn cầu này là vắc-xin cần là một hàng hóa công cộng toàn cầu và người dân có thể tiếp cận bình đẳng dựa trên mức độ rủi ro và thương tổn. Nếu Việt Nam thành công trong việc phát triển vắc-xin an toàn và hiệu quả thì nhất định đây sẽ là tài sản quý cho y tế thế giới. Chúng tôi hy  vọng Việt Nam sẽ tham gia sáng kiến Cơ chế COVAX và góp phần đảm bảo tiếp cận vắc-xin COVID-19 nhanh, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Hải Yến - Bích Vân (thực hiện)
Ý kiến của bạn