Hà Nội

Các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung đang vận hành ra sao?

10-06-2023 11:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong khi nhiều thủy điện lớn ở miền Bắc lâm vào tình trạng khô khát thì nhiều thủy điện miền Trung vẫn đảm bảo được nguồn nước để phát điện, phục vụ sản xuất, đẩy mặn.

Tính đến ngày 10/6, mực nước của một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung như: Sông Bung, A Vương, Sông Tranh… đang ở mức đảm bảo cho việc vận hành các tổ máy. Tổng công ty Điện lực miền Trung vẫn đảm bảo phát điện liên tục để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.

Các hồ thủy điện vận hành bình thường

Nếu như cách đây ba tuần, các hồ chứa thủy điện lớn như Sông Bung, Sông Tranh, A Vương… phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước thì những ngày gần đây, khu vực thượng nguồn có mưa đã kịp thời bổ sung nguồn nước quý giá cho các hồ chứa.

Các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung đang vận hành ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung vẫn đảm bảo được nguồn nước để phát điện.

Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, nếu so với số liệu thủy văn thiết kế và số liệu thủy văn trung bình những năm vận hành thì lưu lượng nước về hồ A Vương các tháng đầu năm 2023 hiện đang cao hơn.

Lượng mưa trên lưu vực thủy điện A Vương từ đầu năm đến nay đạt 702mm, xấp xỉ số liệu TBNN (trung bình nhiều năm). Đặc biệt, trong các ngày gần đây, trên lưu vực A Vương có mưa dông buổi chiều tối, làm cải thiện (tăng cao) lưu lượng về hồ.

"Sản lượng điện sản xuất trong năm 2023 của Thủy điện A Vương đến thời điểm này đạt được 325 triệu kWh, tương đương với trung bình nhiều năm (~300tr kWh).

Công ty xác định 2 mục tiêu để thực hiện hàng năm gồm: đảm bảo khả dụng tổ máy 100% để sẵn sàng cung cấp điện cho hệ thống và điều tiết nước hợp lý cho đến cuối mùa khô (31/8) có dự phòng cho trường hợp mùa mưa đến muộn.

Thủy điện A Vương đã thường xuyên báo cáo tình hình thủy văn hồ chứa với các địa phương vùng hạ du, tuân thủ các chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam và phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết xả nước qua phát điện nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Đó là điều tiết nhiều khi nhu cầu hạ du cần nhiều – để đổ ải vụ Hè – Thu; giảm lượng nước về để tiết kiệm nước khi hạ du đã lấy đủ nước", ông Thế nói.

Các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung đang vận hành ra sao? - Ảnh 2.

Do có mưa ở thượng nguồn thời điểm chiều tối nên mực nước các hồ chứa thủy điện đảm bảo.

Tại thủy điện Sông Bung, mực nước về hồ những ngày qua được báo cáo là đảm bảo cho các tổ máy phát điện. Ông Lê Đình Bản – Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung cho hay, hiện nhà máy vẫn đang vận hành theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa.

"Đến ngày 10/6 thì mực nước hồ đang phù hợp với quy trình nên vẫn đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho Đà Nẵng. Đồng thời, đảm bảo cung ứng nguồn điện lên hệ thống điện quốc gia", ông Bản nói.

Đảm bảo nguồn lưới điện mùa nắng nóng

Để bảo đảm nguồn điện chất lượng, an toàn, liên tục phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng 2023, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đã yêu cầu các Công ty Điện lực thành viên triển khai các phương án để chủ động cấp điện trong mọi tình huống.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Lê Hoàng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc EVNCPC cho biết, mục tiêu của đơn vị là đảm bảo cung ứng điện an toàn, tin cậy cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, bảo đảm nguồn lưới điện mùa nắng nóng.

Ngay từ đầu năm, EVNCPC đã chỉ đạo các đơn vị lập và triển khai phương án đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2023, trong đó lưu ý chuẩn bị các phương án điều hòa phụ tải, lưu ý ưu tiên cấp tải các khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2023 được UBND cấp tỉnh/thành phố phê duyệt.

Đồng thời, rà soát các hệ thống sa thải khẩn cấp, sa thải tần số thấp; cập nhật phương án khởi động đến các nhà máy thủy điện nhỏ đấu nối lưới điện trung áp (nếu có) và phương án khôi phục hệ thống điện phân phối thuộc quyền điều khiển.

Các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung đang vận hành ra sao? - Ảnh 3.

Đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời điểm nắng nóng. Ảnh: TT

Khi có công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện, các Công ty Điện lực cần rà soát kỹ phương án tổ chức thi công để bố trí thời gian cắt điện phù hợp và đảm bảo trả lưới, khôi phục cấp điện theo đúng thời gian thông báo.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trả lưới trễ, gây bức xúc cho khách hàng; hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện khi sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện bằng cách áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng và có giải pháp cấp điện dự phòng phù hợp.

Giám sát thường xuyên và xử lý san tải kịp thời các trường hợp quá tải đường dây, trạm biến áp phụ tải, aptomat hạ thế… do phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày nắng nóng để vận hành an toàn thiết bị.

Cũng theo ông Dũng, EVNCPC cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cắt điện sửa chữa lưới điện phù hợp trong mùa nắng nóng và ưu tiên cung cấp điện liên tục cho các trạm bơm phục vụ chống hạn, phòng mặn góp phần đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Trong thời gian nắng nóng cao điểm, EVNCPC khuyến nghị các khách hàng tăng cường các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng, đặc biệt từ 20h - 23h; Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ sau 20h và tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ sau 22h; Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau… Đối với các bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng: Thực hiện các biện pháp tiết kiệm phù hợp, đảm bảo điện năng tiêu thụ hàng tháng giảm 5% so với cùng kỳ.

Tấn Tài
Ý kiến của bạn