Cam kết này được thông qua một tuyên bố chính trị tại Kỳ họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 79) đang diễn ra tại New York - Hoa Kỳ từ ngày 20-30/9/2024.
Bốn bên gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), đã hoan nghênh các quốc gia đã nỗ lực để giải quyết AMR thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe; công nhận rằng sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường rộng lớn hơn, bao gồm cả các hệ sinh thái, có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc, khiến bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không thể điều trị, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Hành động đa ngành toàn cầu để đạt được mục tiêu giảm kháng kháng sinh vào năm 2030
- Về sức khỏe con người, tuyên bố đặt ra mục tiêu tham vọng hơn là ít nhất 70% lượng kháng sinh được sử dụng cho sức khỏe con người trên toàn cầu phải thuộc nhóm kháng sinh có tác dụng phụ tương đối tối thiểu và khả năng gây kháng kháng sing hấp hơn.
Điều này cũng bao gồm các mục tiêu xung quanh phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng (IPC), chẳng hạn như 100% các quốc gia có dịch vụ cơ bản về nước, vệ sinh và quản lý chất thải tại tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe và 90% các quốc gia đáp ứng tất cả các yêu cầu tối thiểu của WHO về các chương trình IPC vào năm 2030.
- Về nông nghiệp và sức khỏe động vật, đến năm 2030 sẽ giảm đáng kể lượng thuốc kháng khuẩn được sử dụng trên toàn cầu trong các hệ thống nông - lương thực, bằng cách ưu tiên và tài trợ cho việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, đảm bảo sử dụng thuốc kháng khuẩn một cách thận trọng, có trách nhiệm, dựa trên bằng chứng trong sức khỏe động vật.
Điều này sẽ đạt được trong bối cảnh danh sách các bệnh ưu tiên của WOAH và sáng kiến RENOFARM của FAO, cũng như các chiến lược phòng ngừa, bao gồm các chiến lược tiêm phòng cho động vật, thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, nước và vệ sinh (WASH).
- Về môi trường, nhấn mạnh nhu cầu ngăn ngừa và giải quyết việc thải thuốc kháng khuẩn vào môi trường; kêu gọi tăng cường nghiên cứu và hiểu biết về các khía cạnh môi trường của AMR, thúc đẩy các hành động giải quyết các nguồn ô nhiễm thuốc kháng khuẩn chính.
Thách thức liên ngành của AMR đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống Một sức khỏe, thống nhất sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường, được hỗ trợ bởi quản trị AMR toàn cầu mạnh mẽ và có trách nhiệm.
Tổng giám đốc FAO, QU Dongyu cho biết, chúng ta phải đảm bảo tiếp cận phổ cập với thuốc men, phương pháp điều trị và chẩn đoán, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới, xây dựng năng lực và các sáng kiến nâng cao nhận thức táo bạo. Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và an ninh lương thực phụ thuộc vào các hệ thống nông nghiệp, thực phẩm hiệu quả, toàn diện, kiên cường và bền vững.
Trong gần 80 năm, FAO đã kiên định với sứ mệnh đảm bảo thực phẩm an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, cam kết hành động tập thể để loại bỏ rủi ro AMR trong nông nghiệp và hệ thống thực phẩm.
Nhiều vi khuẩn trở nên kháng với thuốc kháng sinh.
Giám đốc điều hành của UNEP - Inger Andersen khẳng định, môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, lây lan và truyền nhiễm AMR, bao gồm cả việc truyền nhiễm giữa người và động vật sang người. Muốn giảm gánh nặng của kháng kháng sinh và các rủi ro của nó, thì môi trường phải là một phần của giải pháp. UNEP sẽ tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực nhằm giảm gánh nặng của AMR đối với xã hội và giải quyết cuộc khủng hoảng ba hành tinh.
Từ khi Alexander Fleming tình cờ phát hiện ra penicillin trong một phòng thí nghiệm ở London, thuốc kháng sinh đã trở thành trụ cột của y học, biến những căn bệnh nhiễm trùng từng gây tử vong thành những tình trạng có thể điều trị và chữa khỏi.
Kháng thuốc kháng sinh đe dọa phá vỡ tiến trình đó, khiến nó trở thành một trong những thách thức cấp bách nhất về sức khỏe của thời đại chúng ta. Tuyên bố hôm nay bao gồm các cam kết quan trọng, nếu được chuyển thành hành động, sẽ giúp theo dõi AMR, làm chậm quá trình này, mở rộng khả năng tiếp cận các loại thuốc kháng khuẩn như kháng sinh và thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc mới, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết.
TS. Emmanuelle Soubeyran, Tổng giám đốc WOAH cam kết: WOAH sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia bằng cách xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn, đánh giá khuôn khổ chính sách để kê đơn thuốc kháng khuẩn, hỗ trợ thực hiện các chương trình an toàn sinh học và tiêm chủng cho các bệnh ưu tiên, có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng khuẩn, cùng với các biện pháp khác.
Thuốc kháng khuẩn giúp động vật và con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, nhưng nhiều loại thuốc cứu sống này đang mất dần hiệu quả một cách nguy hiểm, gây ra những tác động tàn phá không chỉ đối với sức khỏe con người mà còn đối với vật nuôi và nền kinh tế nói chung.
Cập nhật Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh
Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh.
Tuyên bố yêu cầu các tổ chức bốn bên cùng với các quốc gia:
- Cập nhật Kế hoạch hành động toàn cầu (GAP) về kháng thuốc kháng sinh vào năm 2026, để đảm bảo phản ứng đa ngành mạnh mẽ và toàn diện, thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe; trao cho bốn bên nhiệm vụ theo dõi và báo cáo lại về việc thực hiện GAP và các kết quả tuyên bố chính trị.
- Nhấn mạnh các khía cạnh chính, bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp cận thuốc men, phương pháp điều trị, chẩn đoán, đồng thời kêu gọi các ưu đãi và cơ chế tài chính để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và phát triển y tế đa ngành trong việc giải quyết AMR. Một quan hệ đối tác mạnh mẽ và minh bạch hơn giữa khu vực công và tư nhân, cũng như học viện là rất quan trọng.
- Khuyến khích các quốc gia báo cáo dữ liệu giám sát chất lượng về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và sử dụng thuốc kháng sinh vào năm 2030; sử dụng các hệ thống toàn cầu hiện có như Hệ thống giám sát tình trạng kháng thuốc kháng sinh và sử dụng thuốc kháng sinh toàn cầu (GLASS); Cơ sở dữ liệu về việc sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật (ANIMUSE) của WOAH và Gián sát tình trạng kháng thuốc kháng sinh quốc tế của FAO (InFARM).
Tuyên bố này cũng kêu gọi 95% các quốc gia báo cáo hàng năm về việc thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia về AMR của họ thông qua Khảo sát tự đánh giá và theo dõi quốc gia về AMR…