Các nhà lãnh đạo thế giới nói gì sau tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO của Tổng thống Mỹ?

15-04-2020 18:05 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì sự bất hợp lý trong cách thức giải quyết đại dịch COVID-19, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết đây không phải là lúc để giảm bớt nguồn lực của WHO.

Theo Người đứng đầu LHQ ông Antonio Guterres, "hiện không phải lúc cắt giảm các nguồn lực cho chiến dịch của WHO hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Đây là thời điểm cần tới sự đoàn kết và cộng đồng quốc tế cần hợp tác trên tinh thần đoàn kết nhằm đẩy lui dịch bệnh này, cũng như khắc phục những hậu quả mà cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra"..

Hiện Mỹ là nhà tài trợ  lớn nhất cho WHO, với đóng góp hơn 400 triệu USD  trong năm 2019, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Sau quyết định của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia  Scott Morrison cho biết ông đồng tình với những chỉ trích của Tổng thống  Trump về WHO, đặc biệt là sự ủng hộ của họ về việc mở lại thị trường các chợ hải sản của Trung Quốc, nơi bán đồ tươi sống và là một trong những địa điểm được cho là dịch bệnh COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên. Đó là một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

“Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng WHO là một tổ chức đã thực hiện rất nhiều công việc quan trọng, trong đó có cả ở khu vực Thái Bình Dương và chúng ta nên hợp tác chặt chẽ với họ”, ông Scott Morrison nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo thống kê của Reuters, đã có hơn 2.200 người đã chết ở Mỹ vào ngày 14/4.  Trong khi hiện nay đang xuất hiện những  tranh cãi  về việc có hay không mở lại nền kinh tế.

Thành phố New York, thành phố ở Mỹ chịu  ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, đã công bố số người chết lên tới hơn 10.000 người, có những nạn nhân qua đời  vì bệnh phổi nhưng chưa bao giờ được xét nghiệm COVID-19.

Một số tổ chức cho rằng quyết định ngừng tài trợ cho WHO của Tổng thống Trump là một biện pháp nhằm xoa dịu dư luận về khả năng xử lý trong của cuộc khủng hoảng bệnh COVID-19 mà Mỹ đang phải trải qua.

Có một số người cho rằng, cáo buộc của Người đứng đầu nước Mỹ không phải là không có căn cứ, nhưng việc cắt giảm nguồn lực ở thời điểm đại dịch đang xảy ra trên toàn thế giới là hành động phải xem xét lại.

WHO: Vẫn chưa nhìn thấy đỉnh dịch COVID-19

WHO cho biết ở một số nơi, dịch bệnh dường như đã qua đỉnh như Italy, Tây Ban Nha, tuy nhiên cũng có một số nơi khác số người mắc bệnh đang gia tăng như tại Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê, dịch bệnh COVID-19  bùng phát trên toàn thế giới - 90% các trường hợp nhiễm bệnh từ các nước châu Âu và Mỹ. Theo Người phát ngôn của WHO, Margaret Harris  cho rằng, đỉnh điểm của dịch bệnh vẫn chưa qua.

Ấn Độ - quốc gia có dân số lên tới 1,3 tỷ người - đã gia hạn phong tỏa  cho đến ngày 3 /5 khi số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã  vượt quá 10.000 người. Thủ tướng Narendra Modi nói rằng, việc hy sinh kinh tế là cần thiết để cứu người.

Theo Ủy ban y tế Quốc gia Trung Quốc, các trường hợp mới mắc COVID-19  ở Trung Quốc giảm xuống còn 46, so với 89 ngày hôm trước, có thêm một trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mới mắc  là những người trở về từ Nga.

Kinh tế thế giới sẽ thiệt hại nặng

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm 3% trong năm nay, đánh dấu sự suy thoái mạnh nhất kể từ Đại suy thoái.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tăng  thêm tiền với gói hỗ trợ lên tới  gần 1 nghìn tỷ USD.

Tổng thống Mỹ cho biết nước này đang cân nhắc sẽ nới lỏng dần việc cách ly ở từng bang, ông sẽ trao quyền quyết định việc này cho Thống đốc của các bang.  Tổng thống cho biết, ông sẽ không đặt “bất cứ một áp lực nào” lên người lãnh đạo cao nhất của bang về việc mở cửa trở lại.  Tuy nhiên Cố vấn bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Tổng thống, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết,  mục tiêu tái lập nền kinh tế ngày 1/5 của tổng thống là quá lạc quan.

Thủ tướng New Zealand , bà Jacinda Ardern và nội các của bà tình nguyện giảm 20% lương để chia sẻ khó khăn với đất nước

Các hãng hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề vì biên giới đã đóng cửa.  Các hãng hàng không của Trung Quốc đã báo cáo tổng thiệt hại 4,8 tỷ USD  trong quý đầu tiên.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đồng ý về gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD cho các hãng hàng không để đảm bảo nhân viên  của họ có việc làm cho đến tháng 10 trong khi ngành công nghiệp vận tải này đang phải gồng mình  chống lại cuộc khủng hoảng lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Ở New Zealand, nơi đang bị phong tỏa  chặt chẽ đã hạn chế số người mắc và tử vong, Thủ tướng New Zealand , bà Jacinda Ardern tuyên bố, bà và các bộ trưởng và giám đốc điều hành dịch vụ công trong Chính phủ sẽ giảm 20%  lương trong 6  tháng để chia sẻ khó khăn của đất nước trong bối cảnh dịch COVID-19.


Hải Yến
Ý kiến của bạn