Hà Nội

Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi lập hiệp ước đối phó với đại dịch

30-03-2021 17:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau kêu gọi thành lập một hiệp ước đối phó với đại dịch.

Ngày 30/3, trong một bức thư chung đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới, trong đó có chữ ký của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, và nhiều nhà lãnh đạo và quan chức ở châu Âu, châu Phi, Nam Phi và châu Á, đồng loạt kêu gọi một hiệp ước ứng phó với đại dịch. Các nhà  lãnh đạo thế giới cho rằng cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đã đặt ra “một thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ cuối những năm 1940”.

Trong bức thư còn  cảnh báo khả năng xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm hay các cuộc khủng hoảng  tương tự như đại dịch COVID-19  trong tương lai. Các lãnh đạo cho rằng COVID-19 hiện nay như "lời nhắc nhở nghiêm khắc " rằng không một người nào có thể an toàn nếu mọi người xung quanh chưa an toàn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, một trong những quan chức đầu tiên kêu gọi một thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết các đại dịch tron tương lai  cũng đã ký vào bức thư.

Căng thẳng quốc tế về nguồn cung vaccine COVID-19 đã khiến các lãnh đạo thế giới kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, mở ra kỷ nguyên mới dựa trên các nguyên tắc như đoàn kết và hợp tác.

Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi lập hiệp ước đối phó với đại dịch

Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật  Bản đã nhất trí với ý tưởng lập hiệp ước toàn cầu đối phó đại dịch và sẽ thảo luận thêm tại hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall vào tháng 6.

Dự kiến, hiệp ước toàn cầu về đối phó với đại dịch có mục tiêu “thúc đẩy cách tiếp cận xã hội và toàn cầu  nhằm tăng cường năng lực quốc gia, khu vực và toàn thế giới về  khả năng chống chọi với đại dịch trong tương lai”.

Hệ thống mới được đề xuất này sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để cải thiện hệ thống cảnh báo, sử dụng chung dữ liệu và nghiên cứu, cũng như “sự phát triển và phân phối của mọi quốc gia, khu vực và toàn cầu về thuốc, chẩn đoán và phương tiện bảo vệ cá nhân. ”

Điều quan trọng không kém, các nhà lãnh đạo hy vọng,  hiệp ước sẽ tìm cách thúc đẩy “sự minh bạch, hợp tác và trách nhiệm” giữa các bên ký kết. “Một hiệp ước như vậy sẽ dẫn đến trách nhiệm giải trình chung và trách nhiệm chung, minh bạch và hợp tác trong hệ thống quốc tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực của nó”.

“Để làm được điều này, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới và tất cả các bên liên quan bao gồm các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Chúng tôi tin rằng, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, chính phủ và người đứng đầu các tổ chức quốc tế, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng thế giới học được những bài học của đại dịch COVID-19 ”, bức thư bày tỏ.

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn