Các nhà lãnh đạo APEC cam kết mở rộng sản xuất và chia sẻ vắc xin COVID-19

17-07-2021 17:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo thống nhất cho rằng, tiêm chủng vắc xin diện rộng sẽ giúp chống lại đại dịch. Việc tăng tốc tiếp cận vắc xin là điều cần thiết, để thế giới vượt qua khủng hoảng.

Quốc gia chủ nhà của hội nghị trực tuyến APEC là New Zealand đã tập trung thảo luận về sự gia tăng của biến thể Delta COVID-19 trong khu vực.

Các quốc gia cho rằng, họ đang đấu tranh để ngăn chặn các đợt bùng phát mới, không để dịch bệnh trầm trọng hơn bởi biến thể Delta.  Chính vì thế, các thành viên APEC đã khuyến khích việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, nhằm đối phó với  những đại dịch trong tương lai.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Thủ tướng New Zealand  Jacinda Ardern cho biết, các nhà lãnh đạo nhất trí, đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng trên thế giới và việc chuẩn bị sẵn sàng cho những gì sẽ xảy đến trong tương lai, là rất quan trọng.

Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của APEC, sau cuộc họp trực tuyến do New Zealand tổ chức, các nhà lãnh đạo của nhóm 21 thành viên tuyên bố, sẽ nỗ lực gấp đôi để mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin; đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế, trong thời gian tới.  

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo cũng cho biết, sẽ khuyến khích việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, theo các điều khoản đã được hai bên thống nhất và nói rằng, phải nối lại các chuyến du lịch xuyên biên giới; nhưng “không làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID- 19. ”

 “Chúng ta sẽ chỉ khắc phục tình trạng khẩn cấp về sức khỏe này, bằng cách tăng tốc tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng,” tuyên bố viết.

"Chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng rộng rãi chống lại COVID-19, như một lợi ích toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẽ nỗ lực gấp đôi để mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin; hỗ trợ các nỗ lực chia sẻ vắc xin toàn cầu và khuyến khích chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vắc xin", tuyên bố cho biết thêm. 

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo thống nhất cho rằng, đại dịch có tác động lớn không chỉ với mỗi cá nhân, mà còn cả nền kinh tế của khu vực. “Đại dịch tiếp tục có tác động tàn khốc đối với người dân và nền kinh tế của khu vực chúng ta,” tuyên bố cho biết. Một  hành động tập thể sẽ giúp đối phó với đại dịch COVID-19 và các tác động kinh tế của nó.

 

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn