Từ khi mạng 5G phát triển, đã có nhiều lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe con người.
Mặc dù Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại bức xạ tần số vô tuyến 5G (RF-EMF) vào nhóm "có thể gây ung thư", vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối nguy hại cụ thể của nó.
Natalia Krivova, nhà nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu sinh học và vật lý sinh học của TSU, chia sẻ: "Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn tác động của bức xạ không ion hóa lên các loài gặm nhấm ở nhiều độ tuổi khác nhau".
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã dùng chuột Wistar đực, loài thường được chọn để nghiên cứu do phản ứng sinh học tương tự với con người.
Chuột được chia thành 3 nhóm theo độ tuổi: nhóm 5-6 tuần tuổi (tương đương độ tuổi thanh thiếu niên), 10-11 tuần tuổi (trưởng thành - trung niên) và 17-18 tuần tuổi (người cao tuổi).
Các nhóm chuột được tiếp xúc với bức xạ RF-EMF trong 5 tuần, tương đương với khoảng 4 năm phơi nhiễm ở con người.
Kết quả ban đầu không cho thấy bất kỳ sự thay đổi rõ ràng nào về mặt ngoại hình giữa chuột tiếp xúc với bức xạ và nhóm đối chứng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ mô não, các nhà khoa học phát hiện sự mất cân bằng đáng kể giữa chất chống oxy hóa và các chất oxy hóa trong não của chuột, điều này có thể báo hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thần kinh.
Nhà nghiên cứu Krivova cho biết, chưa thể kết luận những thay đổi này có tác động tích cực hay tiêu cực lên khả năng nhận thức của chuột, cũng như việc cơ thể chúng có thể tự điều chỉnh để bù đắp hay không, cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định chính xác hậu quả của những thay đổi này.
Theo TSU, nghiên cứu này đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học đo lường thành công mức độ hấp thụ bức xạ 5G ở chuột bị nhốt trong môi trường thí nghiệm.
Để thực hiện, nhóm nghiên cứu của TSU đã thiết kế một loại ăng-ten 5G đặc biệt và phát triển kỹ thuật đo lường tiên tiến. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Applied Sciences.
Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Dự án Trường điện từ quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, nhằm cung cấp câu trả lời khách quan và dựa trên bằng chứng về rủi ro sức khỏe tiềm ẩn từ bức xạ điện từ của 5G.
Theo Krivova, bước tiếp theo của nghiên cứu là xem xét ảnh hưởng của bức xạ 5G đối với chuột cái và khả năng ảnh hưởng đến thế hệ sau của chúng, nếu dự án nhận được đủ nguồn tài trợ.