(SKDS) – Sự bùng nổ của những chương trình giải trí trên màn ảnh nhỏ là nguyên nhân làm khán giả “lười vận động”. Họ chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể thưởng thức nhiều chương trình giải trí phong phú. Khi nghĩ đến việc phải di chuyển đến một nhà hát nào đó để xem nhạc sống thì có vẻ hơi xa xỉ và... không nhất thiết. Xét ở góc độ này, màn ảnh nhỏ “thắng đậm” sân khấu nhà hát.
Nhạc kịch mất khách
Chưa bao giờ thị trường giải trí trở nên u ám như thời điểm này, đặc biệt là mảng nhạc kịch. Với lý do kinh tế suy giảm, khán giả áp dụng hình thức “thắt chặt chi tiêu” với cả nghệ thuật. Thảm cảnh này đã dẫn đến việc một vài nhà hát phải khai tử vì không cầm cự nổi.
Từ đầu năm 2012 đến nay, số lượng các chương trình nhạc kịch rất ít ỏi, trong khi đó, những chương trình lớn và đầu tư công phu thì chỉ lác đác. Từ trước đến nay, nhạc kịch luôn vận hành chậm chạp hơn những mảng nghệ thuật giải trí khác. Có lẽ vì đặc trưng “kín cổng cao tường” mà nhạc kịch không thể tiếp cận với khán giả sâu và rộng. Công bằng mà nói, nhạc kịch được xếp ở vị trí cao cấp và không tồn tại những yếu tố dễ dãi, xô bồ. Nhạc kịch không chỉ kén chọn mà còn giới hạn khán giả. Thực tế là người ta không thể mang nhạc kịch ra đường phố hay sân vận động như những hình thức nghệ thuật khác.
Kịch bản nhàm chán cũng là lý do khiến nhạc kịch mất khách. Bên cạnh những vở nhạc kịch kinh điển, hầu như khán giả không được tiếp xúc với đề tài mới. Một trong những “món” hấp dẫn cho mảng nhạc kịch là các tác phẩm được chuyển thể từ phim điện ảnh, tiểu thuyết hiện đại... thì hầu như chưa xuất hiện trong “menu” của các nhà hát. Có thể nói, thời điểm này, nhạc kịch rơi vào tình trạng cung “lệch” cầu và hoạt động theo kiểu cầm chừng.
Vở hài kịch Sếp rởm(Nhà hát Tuổi trẻ) - một trong các phương án lựa chọn của nhà hát thời sân khấu thị trường. |
Loay hoay tìm hướng đi
Thời gian qua, những người làm nhạc kịch đã nỗ lực đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả, thậm chí nhạc kịch còn “di cư” đến một số phòng trà. Không thể phủ nhận sáng kiến này đã tạo nên thành công nhất định, ít nhất khán giả cũng được thưởng thức môn nghệ thuật đẳng cấp tại một không gian gần gũi và quen thuộc. Không ít khán giả sửng sốt khi đến phòng trà Tiếng xưa, phòng trà Mai Vàng... lại được xem nhạc kịch Việt Nam. Tại đây, những tác phẩm kinh điển được dàn dựng công phu không kém đẳng cấp đã làm khán giả thích thú. Tuy nhiên, sức lan tỏa này chưa thực sự mạnh mẽ.
Thiếu sự cổ vũ của công chúng nên ít nhiều tinh thần lao động nghệ thuật của người trong cuộc cũng suy giảm. Hầu hết các nhà hát còn “sống sót” đến thời điểm này đều ngại biểu diễn nhạc kịch. Họ mải miết khai thác những mảng hút khách hơn như hài kịch, ca nhạc... Nhạc kịch là linh hồn của mỗi nhà hát, nhưng môn nghệ thuật này không thể gánh trên vai trọng trách lớn: trả lương cho các nghệ sĩ. Thời điểm này, thể loại hài kịch – một hình thức nghệ thuật mua vui lại trở thành “vua” nhà hát.
Ưu điểm của sân khấu thời kinh tế thị trường nắm bắt nhanh và khai thác có hiệu quả thị hiếu khán giả, nhưng sẽ là nhược điểm nếu chỉ nhăm nhăm theo thị hiếu khán giả mà thiếu sự định hướng. Không thể quan niệm hài chỉ để “mua vui một vài trống canh” mà phải vạch cho khán giả thấy điều gì đáng cười. Vướng phải vấn đề “thẩm định” chất lượng từ phía công chúng nhưng hài kịch vẫn là giải pháp an toàn nhất đối với các nhà hát trong thời điểm hiện tại.
Tưởng rằng mảng hài kịch sẽ là đốm sáng le lói thu hút khán giả đến với các nhà hát thì gần như ngay lập tức, truyền hình cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng hài giải trí để “hấp dẫn” khán giả. Và tất nhiên, với yếu tố “nhanh – gọn – nhẹ”, mảng thư giãn truyền hình được khán giả cổ vũ nhiệt tình bằng cách thường xuyên “dán mắt” lên tivi thay vì di chuyển đến các nhà hát và phải trả tiền để thưởng thức nghệ thuật.
Sự phát triển của truyền hình giải trí đã vô tình tạo nên bức tường ngăn cách giữa nhà hát và công chúng. Để các nhà hát tìm lại được chỗ đứng của mình, việc hạn chế truyền hình giải trí không phải là một giải pháp hay. Vùng vẫy trong thời buổi “thắt lưng buộc bụng”, các nhà hát cần những bước đột phá mạnh mẽ hơn: mở rộng cánh cửa giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà hát quốc tế để hút khán giả... Có lẽ trước khi đổ lỗi cho truyền hình giải trí, các nhà hát nên xem lại cách vận hành của chính mình.
Diên Vĩ