Kỳ II: Những biến chứng liên quan đến phẫu thuật
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nắm chắc, hiểu rõ và tin tưởng là: Tất cả các bác sĩ đều muốn làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân của mình còn các nguy cơ nếu xảy ra là sự không tránh khỏi và không ai mong muốn. Trong trường hợp nếu các nguy cơ xảy ra, bạn cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cải thiện tình trạng của mình.
Sau phẫu thuật vết thương có thể chậm liền. |
Nguy cơ chậm liền
Một số bệnh nhân cần thời gian dài hơn bình thường để có thể liền vết thương, liền xương... đặc biệt là những bệnh nhân có những yếu tố thuận lợi như có bệnh mạn tính, bệnh của hệ thống miễn dịch, bệnh chuyển hóa... Quá trình liền thương về cơ bản phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân, một số yếu tố khác có thể được nhắc đến như: nhiễm khuẩn... nhưng không đóng vai trò chủ yếu.
Khó thở sau phẫu thuật
Đối với những phẫu thuật đòi hỏi việc gây mê toàn thân, nguy cơ khó thở và khó khăn trong việc bỏ máy thở là một trong những nguy cơ có thể gặp. Một số bệnh nhân có thể phải thở máy lâu hơn, một số bệnh nhân có thể phải thực hiện việc phục hồi chức năng đồng thời với việc cai máy thở. Những bệnh nhân có thể gặp những nguy cơ này thường là những bệnh nhân có nguy cơ mạn tính về bệnh lý hô hấp và tim mạch.
Nhiễm khuẩn sau mổ
Mọi cuộc phẫu thuật đều đòi hỏi phải phá vỡ hàng rào bảo vệ của cơ thể trong đó lớn nhất là da. Đây là cơ hội để cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Quá trình phẫu thuật được thực hiện trong điều kiện vô khuẩn, tuy nhiên theo tính toán thì không thể có sự vô khuẩn tuyệt đối, do đó, nguy cơ nhiễm khuẩn vẫn có thể xảy ra. Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn này lên như: đái tháo đường, bệnh lý toàn thân khác, kém dinh dưỡng... Mọi biện pháp về chủ quan và khách quan đều nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ này.
Chấn thương trong quá trình phẫu thuật
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, vì những điều kiện khách quan mà có thể xảy ra những chấn thương khác trong phẫu thuật như: cắt ruột thừa bị thủng ruột, cắt tử cung phạm phải niệu quản, kết hợp xương phạm phải mạch máu... Những thương tổn này có thể được phát hiện và xử lý ngay nhưng cũng có thể sau phẫu thuật mới phát hiện ra. Khi phát hiện xảy ra sự cố, việc can thiệp lại có thể được đặt ra và thực hiện ngay.
Liệt sau phẫu thuật
Một trong những biến chứng ít gặp nhưng rất nặng nề có thể xảy ra là liệt thần kinh sau phẫu thuật. Việc này thường gặp hơn ở các phẫu thuật não và tủy sống, tiếp theo là các phẫu thuật chi như kết hợp xương, phẫu thuật khớp... các phẫu thuật này có sử dụng garô để giảm thiểu sự chảy máu, tuy nhiên do sự nhạy cảm của thần kinh ngoại vi của từng bệnh nhân có thể dẫn đến liệt thần kinh. Nguyên nhân của liệt thần kinh trong các trường hợp này là do tổ chức thần kinh bị thiếu máu nuôi. Về cơ bản, liệt này có thể hồi phục nhưng vẫn có tỷ lệ không hồi phục thần kinh sau mổ. Một số trường hợp, có thể cải thiện chức năng bằng các phẫu thuật chỉnh hình chuyển gân, một số trường hợp khác thì khó khăn hơn.
Kết quả phẫu thuật không được như mong muốn
Kết quả phẫu thuật không được như mong muốn là điều mà cả phẫu thuật viên và bệnh nhân đều không mong muốn. Trong một số trường hợp, mặc dù tất cả mọi biện pháp điều trị đều tốt và chuẩn mực nhưng kết quả phẫu thuật vẫn không được như mong muốn. Điều này được giải thích do nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng như: vấn đề cơ địa, vấn đề kỹ thuật. Trong một số trường hợp, khi nguyên nhân của kết quả kém sau phẫu thuật được xác định, việc can thiệp phẫu thuật lại có thể được đặt ra.
Tê bì và dị cảm sau phẫu thuật
Một số bệnh nhân phàn nàn về tình trạng tê bì hoặc dị cảm tại vùng mổ hoặc vùng lân cận. Tình trạng này có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Yếu tố có thể lý giải là: các nhánh thần kinh cảm giác bị cắt phải khi thực hiện đường rạch da. Về cơ bản, các nhánh thần kinh cảm giác sẽ hồi phục, tuy nhiên việc này đòi hỏi thời gian.
Sẹo mổ
Là điều không tránh được sau phẫu thuật. Sẹo mổ có thể dài, ngắn hoặc rất ngắn, tùy theo loại phẫu thuật, trang thiết bị dụng cụ... Liền sẹo là quá trình tự nhiên, ở một số bệnh nhân có thể sẹo to, xấu do yếu tố cơ địa. Tùy theo loại phẫu thuật sạch hay phẫu thuật nhiễm mà việc phục hồi vết mổ có thể khác nhau.
Sưng nề sau phẫu thuật
Sưng nề quanh vị trí phẫu thuật và các phần thấp hơn của cơ thể là diễn biến bình thường sau phẫu thuật. Ví dụ: Mổ vùng vai có thể sưng nề bàn tay và cẳng tay, mổ vùng gối có thể sưng nề vùng cẳng chân, bàn chân. Về cơ bản, sự sưng nề này sẽ dần dần đỡ đi và hết, quá trình này có thể kéo dài từ một vài tuần đến một vài tháng. Nguyên nhân của sự sưng nề được cho là sự thay đổi tuần hoàn trở về do ảnh hưởng của phẫu thuật và các thương tổn trước phẫu thuật. Một số biện pháp có thể làm giảm và làm hết sưng nề nhanh như chườm lạnh, dùng thuốc giảm phù nề, các biện pháp vật lý trị liệu...