Hà Nội

Các nghi thức lễ tạ cuối năm của người Việt và những điều nên biết

31-01-2024 10:55 | Đời sống
google news

SKĐS - Cuối năm là lúc có rất nhiều nghi thức, lễ cúng, lễ tạ đất, tạ mộ được nhiều gia đình quan tâm và chuẩn bị theo phong tục cổ truyền của người Việt.

Thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới là lúc các gia đình đều rất tất bật với nhiều công việc phải thực hiện. Một trong những việc đặc biệt chú ý là những nghi thức, lễ tạ cuối năm. Vậy theo quan niệm truyền thống của người Việt thường có những lễ tạ cuối năm nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Lễ tạ cuối năm - cúng trả lễ

Theo quan niệm dân gian, đầu năm đi "xin lộc" ở đền chùa nào thì cuối năm dù bận rộn như thế nào cũng phải cố gắng sắp xếp thời gian để quay về nơi đó làm lễ tạ. Điều này không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân đất Việt.

Ngoài ra, người ta cũng quan niệm rằng, việc xin lộc ở đâu trả lễ ở đó cũng đem lại sự yên tâm để bắt đầu vào một năm mới thuận lợi, hanh thông.

Các nghi thức lễ tạ cuối năm của người Việt và những điều nên biết- Ảnh 1.

Lễ tạ cuối năm là nghi thức tạ ơn ở những nơi đã ”xin lộc” vào dịp đi lễ đầu năm, với ý nghĩa đầu năm “kêu cầu xin lộc” thì cuối năm ắt phải “trả lễ”. Ảnh minh họa.

Lễ tạ cuối năm - cúng trả lễ gồm những gì?

Mâm lễ tạ cuối năm không cần quá cầu kì nhưng phải thật chân thành, trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Về cơ bản, mâm lễ tạ cuối năm gồm có:

  • Hương nhang
  • Hoa tươi: hoa cúc, hoa loa kèn
  • Quả mới: táo, xoài, thanh long,…
  • Phẩm: bánh kẹo, oản…

Lễ này dùng để dâng lễ ban Phật, Bồ Tát tại chùa, hay một số đền có đặt ban thờ Phật, cũng có thể dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Tuy vậy, khi dâng ban thần linh nên sắm thêm hàng mã để dâng cùng như tiền vàng, nón hài,… Với các đền, phủ, người ta thường dâng thêm các lễ mặn tại ban Công Đồng như: gà luộc, giò chả, xôi… đều được nấu chín.

Lễ tạ mộ cuối năm

Lễ tạ mộ (còn gọi là chạp mả) là tạ ơn tôn thần cai quản tại khu mộ của gia đình đã phù trì cho linh cốt, vong linh gia tiên được bền vững, an ổn.

Ngày đẹp để tạ mộ cuối năm 2024

Tạ mộ thường làm từ 20 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, tùy phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng miền mà thời gian tạ mộ có khác. Gia chủ có thể tham khảo ngày tốt - ngày xấu trong tháng Chạp và chọn ra ngày phù hợp với gia đình để tiến hành lễ tạ mộ cho thuận.

Từ nay tới 30 tháng Chạp còn 3 ngày đẹp nhất để làm lễ tạ mộ, giúp con cháu được tổ tiên phù hộ, năm sau tài lộc tốt hơn năm trước là:

- Ngày 24 tháng Chạp (DL 3/2/2024)

- Ngày 26 tháng Chạp (DL 5/2/2024)

- Ngày 28 tháng Chạp (DL 7/2/2024)

Không có quy định cụ thể về ngày tạ mộ nên gia chủ có thể chọn ngày cho phù hợp với gia đình.

Lưu ý:

- Các ngày 23, 29 và 30 tháng Chạp là những ngày bình thường.

- Khoảng thời gian từ nay tới 30 tháng Chạp có 3 ngày xấu: Ngày 22, 25 và ngày 27 âm lịch (ngày 22 và 27 âm lịch là ngày Tam nương).

Đồ lễ khi đi tạ mộ cuối năm

Tùy theo điều kiện từng gia đình cùng những phong tục vùng miền mà chúng ta có thể chọn đồ lễ cho phù hợp. Tuy nhiên, ngày này nhiều nhà tạ mộ cúng lễ chay để hạn chế sát sinh.

Có thể tham khảo mâm đồ lễ như sau:

Xôi, chè, rượu, trà, thuốc. 5 lá trầu và 5 quả cau 9 bông hồng đỏ và đĩa hoa quả (5 quả tròn). 4 cái oản đỏ (hoặc bánh) 1 đĩa gạo muối 1 bát nước hoặc 1 chai nước.

Các nghi thức lễ tạ cuối năm của người Việt và những điều nên biết- Ảnh 2.

Tùy theo điều kiện từng gia đình cùng những phong tục vùng miền mà mọi người chọn đồ lễ tạ mộ cho phù hợp.

Những điều lưu ý khi đi tạ mộ cuối năm

Khi đi tạ mộ cuối năm, mọi người cần lưu ý những điều sau:

Không nên đi tạ mộ quá sớm lúc sương chưa tan hết hoặc quá chiều muộn âm khí nặng hơn không có lợi cho sức khỏe.

Cần sắp lễ vật ở miếu thần linh, bởi ở nghĩa trang thường có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng.

Nên thắp hương các ngôi mộ ở bên cạnh những ngôi mộ người thân của mình, ngay cả những ngôi mộ vô chủ cũng nên thắp cho họ nén hương.

Khi đi tạ mộ không nên giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác.

Sau khi đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các khí và âm khí bám vào người và quần áo.

Người đang ốm yếu, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phụ nữ mang thai, không nên đi tạ mộ vì nghĩa trang là nơi nhiều khí lạnh, vi khuẩn sinh sôi.

Lễ cúng tạ đất cuối năm

Cúng tạ đất cuối năm hay còn gọi là lễ tạ thần linh Thổ địa nơi mình đang sinh sống. Mục đích của việc làm này là để tạ ơn các vị thần linh trong năm qua đã gìn giữ, trong coi, cai quản đất đai nơi mình ở. Thông thường các gia đình hay làm lễ cúng rất long trọng với hy vọng bước sang năm mới các vị thần linh vẫn phù hộ độ trì cho gia đạo ấm êm, thuận hòa.

Ngoài ra, một mục đích khác của nghi lễ này cũng nhằm để tưởng nhớ đến công ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ cho gia đình trong năm qua và mong rằng qua năm mới vẫn dõi theo phù hộ cho gia đình.

Đầu năm thì có nghi lễ cúng đất để khai mở năm mới còn cuối năm thì có lễ tạ đất để tỏ lòng biết ơn, kính trọng, tạ ơn các vị thần linh.

Trước kia, lễ tạ đất cuối năm thường được làm trước lễ đưa ông Táo về Trời. Nhưng hiện nay lễ tạ đất cuối năm không bắt buộc nên đại đa số gia đình đều là chung với lễ cúng ông Táo.

Lễ tạ đất cuối năm có 2 thời điểm để thực hiện:

Một là làm chung với lễ tiễn Táo Quân về chầu trời (23 tháng Chạp âm lịch).

Hai là tiến hành vào một ngày nào đó phù hợp tính từ sau rằm tháng Chạp và trước ngày ông Công ông Táo về trời.

Lễ vật cúng tạ đất

Nghi thức đối với gia đình có một ban thờ gồm 3 lư hương thờ: Quan Đương Xứ Thổ Địa Chính Thần, Hội đồng gia tiên và Bà Cô Tổ dòng họ. Sau khi lau dọn bàn thờ, các lễ vật cần sắm sửa và sắp lên thường là như sau:

Phần lễ chay:

  • Nhang, đèn hoặc nến
  • Hoa tươi: 10 bông hoa tươi (hoa hồng hoặc hoa cúc) chia làm 2 lọ, đặt 2 bên bàn thờ.
  • 3 lá trầu và 3 quả cau dài, đẹp.
  • 2 đĩa trái cây đặt ở 2 bên bàn thờ.
  • 2 đĩa xôi trắng to đặt ở 2 bên bàn thờ.

Phần lễ mặn:

  • Gà luộc để nguyên con rồi bày lên đĩa to hoặc có thể thay bằng chân giò lợn (chân trước)luộc chín.
  • 0,5 lít rượu trắng và 3 cái chén nhỏ đựng rượu.
  • 10 lon bia và 6 lon nước ngọt bày ở 2 bên bàn thờ.
  • 1 bao thuốc lá và 1 gói trà.
  • Một vài loại bánh kẹo được đặt trong đĩa to.

Phần vàng mã: Phần này không bắt buộc mà tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, nếu có thể thì chuẩn bị các vật phẩm sau:

6 con ngựa (5 con ngựa 5 màu đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm tím) cùng với 5 bộ mũ, áo, hia ( loại nhỏ) kèm theo ngựa là cờ lệnh, kiếm, roi. Mỗi ngựa trên lưng đặt 10 lễ tiền vàng. Và 1 con ngựa đỏ to hơn 5 con ngựa trên, cũng kèm theo mũ, áo, hia nhưng to hơn và cờ, roi, kiếm.

Lưu ý: Trước khi cúng cũng nên thay rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu để thể hiện sự tôn trọng, trang nghiêm. Khi đọc văn khấn cần giữ thái độ tôn nghiêm, thành tâm thì mới có nhiều lợi lạc cho bản thân, gia đình.

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Mâm cúng ông Công ông Táo 2024 gồm những gì, nên đặt ở đâu cho đúng?Mâm cúng ông Công ông Táo 2024 gồm những gì, nên đặt ở đâu cho đúng?

SKĐS - Trước khi chuẩn bị mâm cỗ đón đêm Giao thừa thì cứ ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người Việt lại tất bật chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo, cùng với những lễ vật tươm tất để tiễn các vị Táo quân lên "chầu trời".


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn