Các nền tảng công nghệ phòng, chống COVID-19 hỗ trợ chống dịch như thế nào?

05-08-2021 11:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm công nghệ quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch chủ chốt được dùng chung trên toàn quốc.

Các nền tảng công nghệ phòng, chống COVID-19 được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm cộng cộng bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; Nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Trong đó, có 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc. Các nền tảng này do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia phát triển, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Tiết kiệm được 50% thời gian lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, thời gian lấy mẫu xét nghiệm cho một người chỉ mất 10 giây nhưng một cán bộ xét nghiệm sẽ mất 1 phút/người (gấp 6 lần thời gian lấy mẫu) để viết tay thông tin lấy mẫu.

Sau khi hoàn thành đợt lấy mẫu, còn phải nhập dữ liệu từ danh sách viết tay vào bảng Excel rồi mới gửi thông tin cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC),

Không những vậy, việc tổng hợp số liệu báo cáo khi lấy mẫu tại các địa bàn lệch nhau, có thể dẫn đến tình trạng không trùng khớp số liệu trong báo cáo. Việc theo dõi tình trạng lấy mẫu tại các địa bàn theo hình thức thủ công như gọi điện, nhắn tin, khi tổng hợp số liệu báo cáo lên CDC sẽ phải mất thời gian tổng hợp.

Với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, tiết kiệm được 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, tăng tốc xét nghiệm và trả kết quả, truy vết và khoanh vùng nhanh hơn. Chỉ nhập liệu một lần thông qua quét mã QR code, hoặc nhập trực tiếp, thực hiện được trên nền tảng, trên ứng dụng và giao diện Web.

Một ưu điểm của việc sử dụng nền tảng là có thể theo dõi, tổng hợp dữ liệu theo thời gian thực; tiết kiệm nhân lực, chỉ cần 1 người thay vì 2 người như trước. Ngoài ra, có thể sử dụng cán bộ tình nguyện để quét thông tin người dùng, nhập thông tin thay vì phải là cán bộ xét nghiệm như trước đây.

"Với nền tảng công nghệ đơn giản, thuận tiện dễ sử dụng trên thiết bị di động, máy tính, công tác đào tạo tưởng chừng như một việc khó trước đây nay trở nên dễ dàng với "chiến thuật dầu loang": Bộ TT&TT đào tạo xuống đầu mối Sở TT&TT, CDC, Trung tâm y tế, Đoàn thanh niên địa phương, sau đó các đơn vị này tự đào tạo cho nhau và đào tạo trực tiếp tại nơi lấy mẫu" - đại diện Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ.

Khả năng đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày

Bộ TT&TT nhận định, với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, Nền tảng quản lý tiêm chủng - 1 trong 6 nền tảng do Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia xây dựng, triển khai, vận hành đã góp phần hỗ trợ tích cực cho cơ quan y tế cũng như người dân trong công tác đăng ký tiêm, lập kế hoạch, triển khai tiêm, đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch về dữ liệu tiêm chủng ở mọi cấp quản lý.

Theo Sở TT&TT TP.HCM, TP.HCM đã triển khai lấy danh sách người tiêm chủng thông qua đăng ký trên nền tảng tiêm chủng kể từ khi đợt tiêm chủng thứ 5 bắt đầu, ngày 3/7/2021.

Đã có 1.843.000 trường hợp đăng ký qua nền tảng. Những dữ liệu này sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia. Trên cơ sở này sẽ triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng trên toàn thành phố.

Chiến dịch tiêm chủng lần thứ 5 của TP. HCM bắt đầu từ 20/7 và kết thúc hôm 2/8 đã hoàn thành tiêm cho hơn 920.000 người, đưa vào hệ thống được hơn 630.000 người đã tiêm chủng. Trong đó, số người trên 65 tuổi và có bệnh nền là hơn 114 nghìn người.

Các nền tảng công nghệ phòng, chống COVID-19 được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc - Ảnh 3.

Tính đến ngày 2/8/2021, Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết 4.423 ca nhiễm/ca nghi nhiễm.

Đối với các đơn vị đã sẵn sàng sử dụng công nghệ, Sở TT&TT cho áp dụng toàn bộ quy trình. Với các đơn vị chưa sẵn sàng, Sở có phương án hỗ trợ để đưa dữ liệu lên hệ thống sau một ngày tiêm. Việc này nhằm thực hiện cuốn chiếu việc đưa cơ sở dữ liệu của thành phố vào hệ thống quốc gia.

Trên cơ sở nền tảng quản lý tiêm chủng với những dữ liệu tiêm chủng đã thu thập được, Sở TT&TT TP HCM tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc xác định các điểm nóng, các đối tượng ưu tiên cần được tiêm chủng nhanh.

Đồng thời, Sở TT&TT cũng kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện, đơn giản hóa các chức năng, quy trình ứng dụng hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia để phù hợp cho Chiến dịch tiêm chủng, đại diện Sở TT&TT cho biết.

Lập bản đồ di chuyển, phát hiện những ca nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp

Mục đích của truy vết người tiếp xúc với ca bệnh là nhằm xác định các "mốc dịch tễ" và truy vết người tiếp xúc với ca bệnh, từ đó tổ chức xét nghiệm, cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Hoạt động truy vết được ưu tiên hàng đầu tại các các địa bàn chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 vì có thể truy vết nhanh, từ đó khẩn trương khoanh vùng dập dịch.

Trong đợt dịch 4, tính đến ngày 2/8/2021, Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết 4.423 ca nhiễm/ca nghi nhiễm, từ đó phát hiện ra 50.959 ca có liên quan.

Đặc biệt, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia có thể hỗ trợ sử dụng liên hoàn các giải pháp công nghệ để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm, nhất là những ca nhiễm/ca nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp.

Bản thân người bị nhiễm không nhớ hết các địa điểm đã đến hoặc khai báo không trung thực, thậm chí bỏ trốn. Đã lập 597 bản đồ di chuyển, có 22 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết.

Trong trường hợp của tỉnh Cần Thơ, ngay những ngày đầu bùng phát dịch tại chợ Tân An, khi nhận thấy một số F0 có biểu hiện khai báo không đầy đủ, trong khi đặc điểm công việc của các hộ này là giao hàng, chạy xe tải, buôn bán.

Sở TT&TT tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia lập các bản đồ di chuyển. Bản đồ được chuyển cho lực lượng công an khai thác trong quá trình điều tra F0. Đến thời điểm này Cần Thơ có khoảng 1600 F0, khai thác hệ thống công nghệ để truy vết khoảng 700 ca nhiễm.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn