Hà Nội

Các mũi vắc-xin cần thiết ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng

31-07-2019 06:57 | Đời sống
google news

SKĐS - Bên cạnh những vắc-xin có trong danh mục vắc-xin tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tiêm thêm các mũi dịch vụ khác để bảo về sức khỏe toàn diện của trẻ.

Các mũi vắc-xin cần thiết cho trẻ bao gồm:

Vắc-xin phòng viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng... do vi khuẩn Heamophilus Influenza tuýp b (Hib): Mũi thứ 1, tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2 tiêm khi trẻ 3 tháng; Mũi thứ 3 tiêm khi trẻ 4 tháng. Tiêm nhắc lại sau 1 năm.

Vắc-xin phòng thủy đậu: Tiêm mũi 1 khi trẻ được 12-15 tháng, mũi 2 tiêm nhắc lại sau 6 tuần.

Vắc-xin phối hợp sởi - quai bị- Rubella (MMR): Tiêm mũi 1 khi trẻ được 9 tháng, nhắc lại mũi 2 sau 6-12 tháng và mũi 3 tiêm sau 4 năm.

Vắc-xin phòng viêm màng não do mô cầu: Tiêm 1 mũi, 3 tiêm năm nhắc lại 1 lần theo chỉ định khi có dịch bùng phát.

Vắc-xin viêm não Nhật Bản B: Tiêm 3 mũi khi trẻ trên 12 tháng, mũi 1 và mũi 2 cách nhau 1 - 2 tuần,  mũi 3 cách mũi 1 sau 1 năm.

Vắc-xin phòng cúm: Trẻ từ 6-35 tháng tuổi tiêm 1 liều 0,25ml mỗi năm. Trẻ trên 36 tháng và người lớn tiêm 1 liều 0,5ml mỗi năm. Trẻ dưới 8 tuổi chưa mắc cúm hoặc chưa tiêm chủng cúm phải tiêm liều 2 sau 4 tuần.

Vắc-xin phòng tiêu chảy do rota virut gây ra: Tiêm cho trẻ từ 2-6 tháng tuổi.

Vắc-xin phòng viêm gan siêu vi A: Tiêm mũi 1 khi trẻ trên 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 6-12 tháng.

Vắc-xin HPV: Phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở bé gái, tiêm cho trường hợp từ 9 - 26 tuổi. Mũi 2 tiêm nhắc lại sau mũi 1 khoảng 2 tháng và mũi 3 nhắc lại sau 6 tháng.

Vắc-xin phòng thương hàn: Tiêm 1 mũi duy nhất cho trẻ từ 3-10 tuổi.

Tiêm vắc-xin giúp bảo vệ toàn diện cho trẻ. Ảnh: TM

Tiêm vắc-xin giúp bảo vệ toàn diện cho trẻ. Ảnh: TM

Trường hợp chống chỉ định tiêm chủng

Với trẻ sơ sinh, chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng cho trẻ trong các trường hợp: Sốt trên hoặc bằng 37,50C; Hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,50C; Nghe tim bất thường; Tri giác bất thường (li bì hoặc kích thích, bú kém,...); Cân nặng dưới 2.000g và có các chống chỉ định khác.

Với trẻ trên 1 tuổi chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong các trường hợp: Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước; Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mạn tính tiến triển; Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid/gammaglobulin; Sốt trên hoặc bằng 37,50C; Hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,50C; nghe tim bất thường; Nhịp thở nghe phổi bất thường; Tri giác bất thường và các chống chỉ định khác.

Trường hợp nhỡ lịch tiêm chủng phải xử lý thế nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhỡ lịch tiêm chủng cho trẻ trong đó có nguyên nhân phổ biến như bố mẹ quên lịch tiêm chủng của con, trẻ bị bệnh, sốt trong ngày có lịch hẹn,...

Trong các trường hợp lỡ lịch hẹn, tùy vào loại vắc-xin, thời gian lỡ, tình trạng của bé mà bác sĩ sẽ cân nhắc, song trong đa số trường hợp trẻ vẫn được tiêm bù mũi nhỡ.

Lỡ hẹn vì các nguyên nhân chủ quan như tại cơ sở y tế gần nơi sống không còn loại vắc-xin trẻ cần tiêm thì cha mẹ nên chủ động tìm hiểu về các cơ sở y tế cao hơn, có đầy đủ các loại vắc-xin hơn, như vậy sẽ đảm bảo một sức khỏe tốt cho con.


KHÁNH LINH
Ý kiến của bạn