1. Vì sao người bệnh đái tháo đường sợ các món ăn vặt ngày Tết?
Ai cũng nhận thấy các món ăn ngày Tết thường có năng lượng rất cao, rất nhiều đường, nhiều chất béo, chất đạm. Trong khi đó, rau xanh và trái cây tươi lại rất ít dẫn đến mất cân đối về dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân chính gây tăng cân, gây tái phát và làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính như bệnh gout, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… đặc biệt là đái tháo đường.
Bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, thực phẩm khô, trái cây sấy khô… là những món ăn vặt chủ yếu trong ngày Tết. Đây là thủ phạm làm tăng lượng đường trong máu, nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường.
Đường là một loại carbohydrate xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể chủ yếu sử dụng carbohydrate làm nguồn năng lượng để não, hệ thần kinh trung ương và các tế bào hồng cầu hoạt động bình thường.
Lượng đường trong máu có mối quan hệ phức tạp với carbohydrate hấp thụ vào cơ thể. So với protein và chất béo, carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu, đó là lý do tại sao việc theo dõi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể lại rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn thực phẩm tinh chế, chế biến có chứa nhiều carbohydrate và thực phẩm chứa nhiều đường như như: bánh kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây, trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...), ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc có đường, độ ngọt và đồ ăn nhanh như bánh ngọt, bánh quy… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Đó chính là lý do người bệnh đái tháo đường sợ không dám ăn các món ăn vặt. Đây là biện pháp an toàn nhưng vẫn có giải pháp giúp người bệnh đái tháo đường vui trong ngày Tết, đó là chuẩn bị những món ăn vặt an toàn và lành mạnh.
2. Món ăn vặt nào nên ăn và nên tránh đối với người bệnh đái tháo đường?
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - đái tháo đường, món ăn vặt lý tưởng dành cho người bệnh đái tháo đường là những thực phẩm chứa ít tinh bột, giàu đạm, chất xơ và bao gồm chất béo lành mạnh.
Cụ thể là những thực phẩm:
- Các loại hạt không muối: Hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ, hướng dương, hạt lạc, óc chó …
- Trái cây: cam, quýt, bưởi, ổi, táo, bơ, thanh long, dâu tây, cherry …
- Sữa chua không đường, sữa tươi không đường
- Đồ uống: Những người bệnh có huyết áp ổn định có thể uống trà, cà phê không đường (có thể thêm chút đường dành cho người đái tháo đường) hoặc nước nấu bằng loại cỏ ngọt có vị ngọt tự nhiên dễ uống.
Người bệnh đái tháo đường nên tránh ăn các đồ ăn sau:
- Các loại trái cây sấy khô: Loại thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, nhiều đường, nhiều năng lượng
- Nước ngọt đóng chai: Trung bình 100ml nước ngọt đóng chai chứa 10g carbohydrat
- Các loại bánh kẹo ngọt, mứt Tết
- Chè kho…
3. Một số món ăn vặt an toàn cho người bệnh đái tháo đường trong ngày Tết
3.1. Trái cây
Ăn trái cây là cách tốt nhất để chúng ta bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, C, D, E, K, kali, kẽm, magiê, sắt, natri, folate…
Trái cây còn là một nguồn chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và giúp ổn định đường huyết.
Các loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít glucose, nhiều chất xơ và vitamin.
Người bệnh nên ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) giúp đường huyết tăng một cách chầm chậm như: ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối…
Hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI bằng 70 trở lên) khi ăn vào đường tăng nhanh như: nhãn, vải, mít, sầu riêng…
Lượng trái cây nên ăn mỗi lần là 15g carbohydrat/lần, 2-3 lần/ngày.
3.2. Các loại hạt
Các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ, hướng dương, hạt lạc, óc chó, mắc ca…) là một trong những món ăn vặt thân thiện với người bệnh đái tháo đường. Chúng có nhiều chất xơ, protein, chất béo lành mạnh và rất ít carbohydrate.
Sự kết hợp của chất béo lành mạnh, protein và chất xơ trong các loại hạt làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết.
Để có một món ăn vặt an toàn để nhâm nhi vui vẻ trong ngày Tết, người bệnh đái tháo đường nên chọn các loại hạt không thêm gia vị như muối và đường. Người bệnh có thể ăn từ 2-3 nắm/ngày. Không nên ăn quá nhiều vì có thể dẫn đến thừa năng lượng gây tăng cân.
3.3. Sữa chua
Sữa chua có chỉ số đường huyết thấp đồng thời là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và lành mạnh do ít chất béo và cholesterol. Sữa chua giàu protein và carbs chất lượng cao nhưng lại là thực phẩm tiêu hóa chậm, do đó ít làm tăng đường huyết đột ngột. Probiotics trong sữa chua ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe đường ruột và có thể cải thiện mức độ glucose và insulin của cơ thể.
Sữa chua Hy Lạp chứa gấp đôi protein nhưng hàm lượng chất béo thấp hơn so với sữa chua thường, cho phép xây dựng một bữa ăn nhẹ chỉ có từ 10-15g carbohydrate, đây là mức lý tưởng với người bệnh đái tháo đường. Mỗi lần người bệnh nên ăn 1 hộp sữa chua không đường.
Xem thêm video đang được quan tâm
6 lợi ích của việc cắt bỏ đường | SKĐS