Hà Nội

Các mô hình chăm sóc người cao tuổi cần được nhân rộng

18-12-2020 15:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Để chăm sóc tốt người cao tuổi trong tình trạng già hóa dân số cần thiết phải đẩy mạnh các mô hình chăm sóc người cao tuổi.

 

Già hóa dân số nhanh, nhu cầu cần chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi gia tăng

Theo thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2034, trung bình 3 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ một  NCT và sẽ chỉ còn 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ một NCT vào năm 2049.

Đáng nói, khoảng 70% số NCT sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, đa số có bệnh cần được điều trị. Như vậy, số NCT cần chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tốc độ già hóa ở nước ta đang diễn ra nhanh, trong khi quy mô gia đình chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình với người cao tuổi là điều bất lợi khi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần, vật chất quan trọng với họ.

Số người cao tuổi tăng, số người cao tuổi không có vợ hoặc chồng, không muốn sống chung với con cháu cũng tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội ngày một lớn. Theo điều tra, khảo sát của Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ/góa chồng và tuổi càng cao, phụ nữ đơn thân càng nhiều.

Cụ thể, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.

Trong khi đó, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh, với khoảng 11 triệu người cao tuổi hiện nay còn bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già và vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Một số người cao tuổi chưa được chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm.

Trên thực tế, người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội chuyên sâu ở cả gia đình, cộng đồng và trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Nhưng hiện cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có gần 2.000 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Các cơ sở chăm sóc NCT chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn với mức phí dịch vụ cao. Còn ở các địa phương, các trung tâm bảo trợ xã hội cũng dành một phần hoạt động để nuôi dưỡng, chăm sóc người già nhưng đối tượng chỉ là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để chăm sóc tốt cho NCT cần sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Việc đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích. Điều này cũng tận dụng xu hướng già hóa dân số và khai thác tiềm năng của NCT, tạo ra động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi

Hiện tại ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, có nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi, chủ yếu tập trung vào 2 loại hình phổ biến: chăm sóc tập trung và chăm sóc tại nhà/cộng đồng.

Mô hình chăm sóc tập trung: Chăm sóc tập trung cung cấp trong một môi trường sống tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu vận động, y khoa, cá nhân, xã hội, và nhà ở của những người có các khuyết tật về thể chất, thần kinh hay phát triển. Các dịch vụ chăm sóc tập trung thường bao gồm giám sát 24h, hỗ trợ các hoạt động sống hàng ngày, điều dưỡng, phục hồi, hỗ trợ thích nghi, tâm lý, liệu pháp, hoạt động xã hội... Chăm sóc tập trung có tại bệnh viện, nhà dưỡng lão hay các cơ sở được nhà nước xác nhận/cấp phép hoạt động.

Hiện tại có nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi

Mô hình chăm sóc tại cộng đồng/tại nhà: Đây là một giải pháp được nhiều nước khuyến khích và triển khai rất hiệu quả với những biến đổi nhân khẩu học hiện nay. Ở những nơi có các dịch vụ chăm sóc tại nhà, NCT không phải đến sống tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Trong nhiều gia đình, người chăm sóc chủ yếu là các thành viên gia đình. Hình thức chăm sóc/điều dưỡng tại nhà/cộng đồng hoàn toàn phù hợp với quan điểm "già hóa tại chỗ". Điều này có nghĩa, người cao tuổi vẫn sống với gia đình tại nhà/cộng đồng của họ và với môi trường tự nhiên trong khoảng thời gian họ muốn.

Mô hình nhà/ viện dưỡng lão đang mang lại một môi trường sống khá thoải mái và thuận lợi cho NCT và được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn khá mới mẻ, được phân làm 3 nhóm. Thứ nhất là cơ sở do các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, xây dựng, vận hành theo mô hình kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có lợi nhuận để tự duy trì hoạt động.

Nhóm thứ hai là các cơ sở dưỡng lão từ thiện do các các nhân hoặc tổ chức tôn giáo đứng ra tổ chức, hoạt động theo mô hình thiện nguyện. Nhóm thứ ba là các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, NCT thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn