Tùy từng nguyên nhân đau răng, mà có các lựa chọn điều trị dưới đây:
1. Các thuốc điều trị đau răng
1.1. Thuốc giảm đau acetaminophen
Thuốc acetaminophen (paracetamol) là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt phổ biến, có thể dùng để giảm đau răng nhẹ và vừa. Tuy nhiên, thuốc có thể không hiệu quả trong trường hợp đau răng do viêm nhiễm như viêm tủy, viêm nướu.
Liều dùng thông thường là 10-15mg/kg trọng lượng trong mỗi 4-6 giờ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt nếu có bất kỳ bệnh lý nào hoặc đang dùng các loại thuốc khác.

Đau răng khiến người bệnh nhức, buốt răng, khó ăn uống, làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
1.2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm các triệu chứng đau răng bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase (COX), từ đó làm giảm sản xuất prostaglandin, một chất gây viêm và đau. Khi COX bị ức chế, lượng prostaglandin giảm, từ đó giảm đau và viêm, bao gồm cả đau răng.
Các thuốc bao gồm: Naproxen (aleve), ibuprofen (advin), diclofenac…
1.3. Thuốc gây tê tại chỗ
Thuốc gây tê tại chỗ không kê đơn (OTC) dưới dạng gel, chất lỏng hoặc bình xịt có thể làm dịu cơn đau và kích ứng do đau răng. Các thuốc gây tê tại chỗ bao gồm lindocain, benzocaine… giúp giảm đau nhanh chóng bằng cách gây tê cục bộ, nhưng tác dụng thường ngắn.
Để sử dụng, bôi thuốc gây tê vào răng đau và nướu xung quanh. Lưu ý, không nên sử dụng thuốc gây tê trong thời gian dài hơn 1 tuần trừ khi được bác sĩ chỉ định. Tránh sử dụng những sản phẩm này trong các trường hợp có tiền sử bị dị ứng với thuốc gây tê tại chỗ.
1.4. Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp đau răng do nhiễm trùng, có thể cần sử dụng kháng sinh như amoxicillin, spiramycin hoặc kết hợp amoxicillin và axit clavulanic. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ liều lượng được khuyến cáo. Nếu có triệu chứng bất thường, cần ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
1.5. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm dịu cơn đau và tiêu diệt vi khuẩn. Nước muối cũng có thể chữa lành vết thương và giảm sưng ở răng và nướu, giúp giảm đau. Để làm nước súc miệng muối tại nhà, hãy hòa tan một thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm. Sau đó, súc miệng trong khoảng 30 giây trước khi nhổ ra.

Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm dịu cơn đau và tiêu diệt vi khuẩn.
1.6. Súc miệng bằng hydrogen peroxide
Một giải pháp thay thế nước súc miệng khác là hydrogen peroxide. Hydrogen peroxide có tính kháng khuẩn và có thể tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn gây nhiễm trùng nào ở chân răng. Súc miệng với lượng hydrogen peroxide và nước bằng nhau trong khoảng 30 giây. Sau đó, súc miệng lại bằng nước. Lưu ý, không nuốt hydrogen peroxide.
2. Các biện pháp trị đau răng không dùng thuốc
- Chườm lạnh vùng bị đau có thể giúp giảm đau tạm thời. Nhiệt độ lạnh giúp giảm đau bằng cách co mạch máu ở khu vực đó, làm tê khu vực đau và giảm khó chịu.
Dùng túi chườm lạnh chườm lên má hoặc bên ngoài hàm trong khoảng 20 phút. Có thể chườm nhiều lần trong ngày. Để an toàn, chỉ chườm lạnh trên khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn. Chườm lạnh trên da quá lâu có thể gây tổn thương da và mô.
- Dầu đinh hương là một loại tinh dầu thường được dùng để làm giảm đau răng và viêm. Dầu đinh hương chứa eugenol, một hợp chất sát trùng và chống viêm tự nhiên có thể làm giảm cơn đau do nhiễm trùng răng.
- Tỏi: Các hợp chất chống viêm và kháng khuẩn trong tỏi tươi có thể có tác dụng làm giảm tạm thời tình trạng đau miệng. Có thể nhai một tép tỏi tươi hoặc đắp hỗn hợp tỏi giã nát và muối vào vùng bị ảnh hưởng để giảm viêm.
- Khi bị đau răng, cần tránh một số loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn: Thực phẩm cay, mặn/có tính axit, đồ uống nóng/lạnh, thức ăn dai hoặc cứng… Ngoài ra có thể giảm đau răng bằng cách kê cao đầu khi nằm ngủ.
3. Phòng ngừa đau răng
Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau răng là thực hiện vệ sinh răng miệng tốt, trong đó, cần thực hiện:
- Hạn chế đường trong chế độ ăn uống.
- Đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluoride 2 lần/ngày.
- Dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng hàng ngày.
- Khám răng miệng 6 tháng/ lần để đảm bảo duy trì vệ sinh răng miệng.
- Tránh cắn móng tay hoặc nhai đồ vật cứng, dùng răng mở đồ vật. Nếu có dấu hiệu nghiến răng vào ban đêm cần báo cho bác sĩ để có các xử trí.
Trong trường hợp gặp cơn đau răng kèm theo răng bị nứt hoặc gãy, mất răng, sốt, đau tai, đau khi há và ngậm miệng… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống thuốc đau răng, thuốc cảm, cô gái trẻ lở loét vùng sinh dục, sưng phù toàn thân.