Trong trường hợp bệnh lý mạn tính, lối sống ít vận động chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng và hoạt động thể chất là điều cần thiết. Tuy vậy, một số bài tập có hiệu quả hơn những bài tập khác: Chẳng hạn như khiêu vũ sử dụng hầu hết các chức năng cơ thể (giữ thăng bằng, phối hợp các chuyển động, sức mạnh cơ bắp, tính linh hoạt, v.v.) và các chức năng nhận thức (cảm giác về nhịp điệu, tương tác xã hội, biểu hiện cảm xúc, v.v.).
Các lớp học "khiêu vũ trị liệu" hiện được mở ở nhiều bệnh viện. Không giống như một số môn thể thao khác, được cho là gò bó, khiêu vũ luôn gắn liền với niềm vui và nụ cười.
Tại sao một số giai điệu nhất định khiến chúng ta muốn nhảy nhiều hơn những giai điệu khác? Các nhà nghiên cứu từ Inserm và Đại học Aix-Marseille, Pháp đã tìm ra lời giải thích.
Bằng cách thử nghiệm 12 giai điệu trên 30 tình nguyện viên, họ phát hiện ra rằng loại nhạc "dễ khiêu vũ" nhất là loại đạt được sự cân bằng tinh tế: Một nhịp điệu có thể đoán trước đủ để trấn an não bộ nhưng cũng đủ gây ngạc nhiên để thu hút sự chú ý của chúng ta.
Dưới đây là các cách luyện tập và lợi ích của các bộ môn khiêu vũ này.
1. Điệu Tango giúp chống viêm khớp đầu gối và hông
Lợi ích sức khỏe của điệu Tango đã được chứng minh ở những bệnh nhân mắc các bệnh thoái hóa thần kinh - đặc biệt là bệnh Alzheimer và Parkinson. Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia của Pháp (Inserm) chỉ rõ rằng ngoài việc cải thiện các kỹ năng vận động, điệu nhảy Latin này còn có tác dụng cải thiện trí nhớ, nhận thức về không gian và các mối liên kết xã hội.
Ngoài ra, liệu pháp Tango cũng có những ưu điểm khác: Một nghiên cứu ngắn gọn được thực hiện vào năm 2023 bởi Bệnh viện Đại học Clermont-Ferrand cho thấy điệu nhảy này làm giảm đau và giúp cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân viêm xương khớp trở nên dễ dàng hơn, với điều kiện là họ khiêu vũ ít nhất một giờ mỗi tuần.
Giáo sư Francis Berenbaum, bác sĩ thấp khớp và Trưởng khoa thấp khớp tại Bệnh viện Saint-Antoine (Paris), nhấn mạnh trong trường hợp bị viêm xương khớp ở đầu gối hoặc hông, bắt buộc phải di chuyển thường xuyên. Việc thiếu vận động làm trầm trọng thêm các triệu chứng và làm tăng sự mất khả năng vận động. Vấn đề là bệnh nhân viêm xương khớp thường gặp khó khăn khi tập luyện thể thao vì đau. Khiêu vũ là một hoạt động thú vị cho phép bạn vượt qua chướng ngại vật này, đặc biệt là khi tập luyện theo đôi.
Tango còn có một lợi ích nữa: Vì đây là điệu nhảy có các bước đi gần nhất với việc đi bộ nên nó góp phần phục hồi chức năng cho bệnh nhân bên cạnh vật lý trị liệu. Nhờ vào Tango ("luyện tập lại cho bạn việc đi bộ"), việc đi lại trong nhà, mua sắm ở siêu thị hoặc thậm chí lái xe trở nên dễ dàng hơn.
Đối với những cặp đôi muốn bắt đầu, Giáo sư Berenbaum khuyên hãy bắt đầu tập luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên vì nếu các tư thế sai được lặp đi lặp lại có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm xương khớp.
2. Múa cột giúp chống lại trầm cảm
Múa cột hiện nay đang trở thành một trào lưu luyện tập của các bạn trẻ nhằm cải thiện sức khỏe cho bản thân. Bằng chứng mới về tính đáng tôn trọng của bộ môn này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Berlin, Đức, đã nghiên cứu lợi ích trị liệu của nó: Kết quả được công bố vào tháng 9 năm 2023, cho thấy sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe tâm lý của những phụ nữ thực hành múa cột ít nhất một giờ mỗi tuần. Lợi ích quan sát được đó là sự lạc quan, cảm giác thư giãn, năng lượng...
Việc điều trị bất kỳ bệnh lý tâm thần nào (chẳng hạn như trầm cảm) đòi hỏi sự thể hiện cảm xúc của bệnh nhân: Đối với những người không cảm thấy thoải mái với liệu pháp tâm lý (biểu hiện bằng miệng), khiêu vũ (biểu hiện cơ thể) cho phép bạn thể hiện sự khó chịu ra bên ngoài thông qua chuyển động.
Múa cột cũng mang lại một cảm giác không tuân thủ khiến nó trở nên đặc biệt thú vị, góp phần đẩy lùi nỗi buồn và sự u ám đặc trưng của chứng trầm cảm. Thứ hai, những phụ nữ thực hành múa cột có thể kết nối lại với cảm giác quyến rũ, một yếu tố quan trọng của sự tự tin.
Tiến sĩ Virginie Collette chỉ rõ rằng múa cột chủ yếu nhắm đến những bệnh nhân bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình và luôn luôn được theo dõi y tế và điều trị bằng thuốc nếu cần thiết.
3. Zumba giúp chống lại bệnh đái tháo đường
Zumba là một môn thể thao khá mới, xuất hiện từ đầu những năm 2010, môn thể thao cardio này (bao gồm những nỗ lực ngắn nhưng cường độ cao, với mục đích tăng cường hệ tim mạch và hô hấp) được luyện tập theo nhóm trên nền nhạc Latin có nhịp điệu.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Y tế Terna (Ấn Độ) đã thực hiện một nghiên cứu với 45 người mắc bệnh đái tháo đường loại 2. Họ phát hiện ra rằng với việc tập luyện tương đương 3 giờ mỗi tuần, Zumba có hiệu quả hơn đi bộ nhanh trong việc điều hòa lượng đường trong máu cho bệnh nhân.
Tiến sĩ Jean-Michel Lecerf, bác sĩ nội tiết và Trưởng khoa dinh dưỡng & hoạt động thể chất tại Viện Pasteur ở Lille, giải thích các môn thể thao tim mạch (cardio) rất hiệu quả đối với các bệnh nhân đái tháo đường vì chúng cho phép cơ bắp sử dụng ngay lập tức lượng đường trong máu, giúp chống lại tình trạng tăng đường huyết mạn tính ở bệnh nhân.
Nhưng để có tác động đến lượng đường trong máu, các môn thể thao tim mạch phải được luyện tập với cường độ nhất định, thường đòi hỏi thể chất tốt trước đó. Lợi ích của Zumba là tất cả bệnh nhân có thể tiếp cận được (bất kể tuổi tác hay cân nặng), vì vũ đạo khác nhau tùy theo từng người mà không làm giảm cường độ.
Trong những buổi đầu tiên, bác sĩ vẫn khuyến nghị tăng cường theo dõi lượng đường trong máu vì tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể với hoạt động thể chất cường độ cao này, việc điều chỉnh thuốc có thể cần thiết.
4. Điệu nhảy trực giác sau chấn thương
Điệu nhảy trực giác (hay "điệu nhảy tự do") đang rất phổ biến trên khắp thế giới. Phương pháp trị liệu tâm lý này đặc biệt nhắm đến những người đã trải qua chấn thương - một cuộc tấn công, một cuộc chia ly đau đớn, một chẩn đoán bệnh tật...
Ý tưởng là để cơ thể di chuyển tự do, không cần vũ đạo hay kỹ thuật, để cho phép "phóng ra" những cảm xúc bị kìm nén. Nhưng buông bỏ không phải là điều dễ dàng đạt được, tốt hơn hết bạn nên tránh những bài hướng dẫn tràn lan trên mạng và hãy bắt đầu với một giáo viên.
Chỉ khi các nguyên tắc đã được tích hợp, bạn mới có thể dễ dàng đưa công cụ chăm sóc sức khỏe này vào cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như nhảy một mình, giữa phòng khách, khi tinh thần đang ở mức 0!