Một trong những cách phòng ngừa viêm là bổ sung các thực phẩm chứa các vitamin chống viêm.
Hậu quả của viêm…
Có hai loại viêm: Cấp tính (có nghĩa là nó xảy ra nhanh chóng và thường tồn tại trong thời gian ngắn) hoặc mạn tính (có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể không khắc phục được vấn đề ban đầu).
Khi cơ thể bị thương, hệ thống miễn dịch thường hoạt động nhanh chóng để sửa chữa vết thương, khiến các triệu chứng viêm cấp tính biến mất. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu viêm - chẳng hạn như đau, đỏ, sưng và nóng xung quanh vết thương - vẫn còn tồn tại lâu sau khi vết thương hồi phục hoặc nhiễm trùng ban đầu, bạn có thể đang đối mặt với tình trạng viêm mạn tính.
Theo thời gian, tình trạng viêm mãn tính có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các mô và cơ quan khỏe mạnh trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát, viêm có thể góp phần gây ra các bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim, bệnh mạch máu, đái tháo đường, béo phì, ung thư, bệnh Alzheimer và các bệnh khác.
Xét nghiệm CRP sẽ biết mức độ viêm trong cơ thể.
Nguy cơ bị viêm mạn tính có liên quan đến nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống và tiền sử gia đình... Biết được những yếu tố này có thể giúp chúng ta chủ động thay đổi lối sống để tránh, giảm hoặc thậm chí đẩy lùi tình trạng viêm trong cơ thể.
Một số vitamin có tác dụng chống viêm
Các nhà khoa học đã chỉ ra một số loại vitamin có tác dụng chống viêm. Những loại vitamin này có thể được nạp vào cơ thể bằng cách ăn các thực phẩm có chứa các vitamin này một cách tự nhiên.
Vitamin A
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin A có thể giữ cho hệ thống miễn dịch không hoạt động quá mức và gây viêm. Vitamin A tồn tại ở hai dạng: Beta-carotene (là một tiền vitamin A) và vitamin A, đây là một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại gốc tự do. Chế độ ăn giàu beta-carotene và vitamin A có thể giúp giảm viêm.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm cà rốt, cải xoăn, rau cải thìa, rau bina và nhiều loại rau ăn lá…
Vitamin B
Những người thiếu vitamin B6 thường sẽ có mức độ protein phản ứng C (CRP) cao, một hợp chất khác gây ra chứng viêm, đặc biệt là trong các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Để giảm viêm và tăng cường vitamin B6, hãy thử tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin B, bao gồm cải xoăn, ớt chuông và nấm, dưa đỏ, cá ngừ và thịt gia cầm.
Một nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic với liều lượng thấp (còn được gọi là folate, một loại vitamin B khác) hàng ngày và trong thời gian ngắn có thể làm giảm viêm.
Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm rau lá xanh đậm, măng tây và gan…
Vitamin C
Vitamin C được biết đến với vai trò giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể loại bỏ các gốc tự do gây viêm.
Vitamin C cũng giống như vitamin B, có thể giúp giảm protein phản ứng C. Tốt nhất là bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống.
Để có thêm vitamin C từ chế độ ăn của bạn, hãy ăn nhiều loại trái cây và rau quả, chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Vitamin D
Theo một báo cáo từ tạp chí Food & Nutrition Research, có tới 41,6% người Mỹ bị thiếu vitamin D. Các nghiên cứu từ lâu đã xác định có một mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và một loạt các bệnh viêm nhiễm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cho biết, khi nạp đủ vitamin D có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
Một báo cáo khác trên Tạp chí Miễn dịch học đã chỉ ra các sự kiện phân tử và tín hiệu cụ thể tạo ra khả năng chống viêm của vitamin D. Hơn nữa, những người có hàm lượng vitamin D thấp chắc chắn có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin D.
Vitamin D có sẵn tự nhiên từ ánh nắng mặt trời, nhưng không phải ai cũng có thể nhận được tất cả vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Bất kỳ ai nghi ngờ họ bị thiếu vitamin D nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc xét nghiệm và bổ sung.
Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D tốt nhất là cá, lòng đỏ trứng và thực phẩm bổ sung vitamin D, bao gồm cả sữa…
Vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin chống oxy hóa khác, có tác dụng làm giảm viêm. Kết quả từ một phân tích tổng hợp năm 2015 được báo cáo trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Âu xác nhận vitamin E có đặc tính chống viêm và việc bổ sung có thể hữu ích đối với những người mắc các bệnh viêm.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong các loại hạt, bao gồm hạt hạnh nhân và hạt hướng dương. Nhiều loại trái cây và rau quả cũng rất giàu vitamin E, bao gồm quả bơ và rau bina.
Nên bổ sung các thực phẩm chống viêm trong chế độ ăn hàng ngày.
Vitamin K
Nam giới trưởng thành nên bổ sung 120 microgam (mcg) vitamin K mỗi ngày, trong khi phụ nữ nên bổ sung 90mcg. Con số khuyến nghị hàng ngày thấp hơn đối với trẻ em và trẻ sơ sinh.
Có hai loại vitamin K là vitamin K1 và K2. Vitamin K1 được tìm thấy trong các loại rau lá, bao gồm cải xoăn, rau bina, bông cải xanh và bắp cải, trong khi K2 được tìm thấy trong thịt gà, gan và trứng.
Vitamin chống viêm có thể được lấy từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, bao gồm rau, trái cây, thịt nạc, cá và thực phẩm bổ sung vitamin. Ngay cả ở dạng bổ sung, các loại vitamin này có thể làm giảm viêm mà không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và là một lựa chọn khả thi cho các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc chống viêm theo toa (trị viêm).