Các loại thuốc nếu dừng đột ngột sẽ gây nguy hiểm

26-07-2019 07:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người bệnh khi uống thuốc nên được hướng dẫn đầy đủ về cách dùng thuốc, các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng và cả khi dừng thuốc.

Bởi đối với nhiều thuốc khi muốn dừng nên giảm liều từ từ để tránh các tác dụng phản hồi xấu của thuốc.

Thuốc hạ huyết áp

Thuốc huyết áp như các thuốc chẹn beta như: atenolol, propranolol, nadolol... làm tim đập chậm hơn, nhịp tim và cung lượng tim sẽ giảm, mạch máu giãn ra, giúp giảm huyết áp. Dừng đột ngột các thuốc này có thể có hiệu ứng phản hồi như nhịp tim nhanh. Những đợt phản hồi như vậy có thể gây thiếu máu tim, tăng huyết áp và nhịp tim quá mức, từ đó dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Các statin hạ mỡ máu

Các statin được dùng kéo dài để hạ mỡ máu, dừng đột ngột các thuốc này có thể tăng nhanh nồng độ protein phản ứng C và LDL cholesterol từ đó tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Các thuốc statin thường dùng bao gồm: atorvastatin, lovastatin, rosuvastatin, simvastatin...

Thuốc chống lo âu

Nhóm benzodiazepin là nhóm thuốc chống lo âu phổ biến nhất. Do thuốc giúp giảm lo âu nhanh chóng, nhiều bệnh nhân tưởng có thể dừng thuốc ngay khi các triệu chứng lo âu đã dứt. Bệnh nhân dễ phụ thuộc thuốc khi dùng thuốc kéo dài và thường xuyên, việc dừng thuốc khi đó có thể dẫn đến hội chứng cai nghiện, gần giống như khi cai nghiện rượu. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: bồn chồn, lo lắng, mất ngủ phản hồi, run rẩy, buồn nôn, đánh trống ngực, ảo giác, thậm chí có thể co giật. Nguy cơ co giật cao nhất trong khoảng 24-72 giờ sau khi ngừng thuốc. Để hạn chế hội chứng cai nghiện và nguy cơ co giật, cần dừng thuốc từ từ cho tới khi cơ thể có thể dứt thuốc hoàn toàn. Các benzodiazepin thường gặp bao gồm: alprazolam, oxazepam, temazepam, triazolam...

Khi uống các thuốc corticoid cần giảm liều từ từ để tránh nguy hiểm.

Khi uống các thuốc corticoid cần giảm liều từ từ để tránh nguy hiểm.

Thuốc chống loạn thần

Dừng đột ngột các thuốc chống loạn thần có thể xuất hiện lại và tăng nặng các triệu chứng, gây lo âu, rối loạn vận động, co cơ, giật cơ không chủ ý, các triệu chứng giả parkinson và hội chứng ác tính do thuốc an thần. Một số thuốc chống loạn thần thường gặp: aripiprazole, clozapine, olanzapine, quetiapine, sulpirid...

Thuốc chống trầm cảm

Hội chứng dừng thuốc đột ngột các thuốc trầm cảm không nguy hiểm như các thuốc an thần, nhưng cũng rất khó chịu như đau đầu, nôn, toát mồ hôi, hoảng loạn, kích động, ác mộng, mất ngủ, lú lẫn hoặc tăng nặng trầm cảm sau khi dừng thuốc. Quy tắc chung của các thuốc chống trầm cảm là nếu các triệu chứng cải thiện sau khi dùng thuốc 6 tháng đến 1 năm, bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều từ từ và dừng thuốc. Giảm liều từ từ là rất quan trọng, dừng thuốc càng đột ngột nguy cơ tái trầm cảm càng cao và điều trị càng trở nên khó khăn hơn. Một số thuốc chống trầm cảm thường gặp là: paroxetine, sertraline, venlafaxine...

Lithium, một thuốc dùng để điều trị các cơn hưng cảm trong trầm cảm, cũng cần giảm liều từ từ. Dừng thuốc đột ngột có thể gây tâm trạng bất ổn định và tái phát.

Thuốc ngủ

Dừng đột ngột các thuốc ngủ có thể dẫn đến lo âu, mất ngủ trở lại, chuột rút, buồn nôn, co giật. Khi tình trạng giấc ngủ cải thiện, nên giảm liều từ từ. Các thuốc ngủ cần giảm liều từ từ bao gồm: eszopiclone, zaleplon, zolpidem...

Steroid (hay corticoid)

Các thuốc steroid giống như con dao hai lưỡi. Khi ngừng thuốc đột ngột, tuyến thượng thận cần 1- 2 tuần để tái hoạt động và tiếp tục sản xuất cortisol. Các triệu chứng của thiếu cortisol bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau nhức, hạ huyết áp, lo lắng, mất ngủ, kích ứng, trầm cảm. Do đó, cần dừng thuốc steroid từ từ để cơ thể có thời gian đáp ứng với việc giảm liều và tránh các tác dụng phụ khi ngừng thuốc.

Thuốc giảm đau opioid

Codein, morphin và hydrocodon là các opioid được kê đơn để giảm đau. Khi BN sử dụng thuốc vài tháng và dừng thuốc đột ngột, họ có thể gặp các triệu chứng cai nghiện giống như các BN nghiện ma túy: cảm giác bồn chồn, lo lắng, tiêu chảy và đau toàn thân. Việc dừng thuốc từ từ sẽ giúp bệnh nhân tránh được các triệu chứng cai nghiện. Tránh dùng các thuốc giảm đau opioid khi không thật sự cần thiết.

Thuốc nhỏ mắt chữa glôcôm

Glôcôm là bệnh lý về mắt do tích lũy dịch ở phần trước của mắt, có thể phá hủy các dây thần kinh mắt. Bác sĩ có thể kê đơn 1 loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt để giảm áp lực mắt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân tự ý dừng nhỏ thuốc đột ngột có thể khiến áp lực trong mắt tăng trở lại. Khi áp lực từ dịch tiếp tục tăng, các dây thần kinh của mắt có thể bị phá hủy thêm và có thể dẫn đến mù lòa.

Thuốc chống co giật

Các BN sử dụng thuốc chống co giật không bao giờ nên dừng thuốc đột ngột, do việc dừng thuốc có thể gây phản tác dụng và tăng mạnh tần số co giật. Một số thuốc chống co giật có thể gây hội chứng cai thuốc trong vòng 24-48 giờ sau khi dừng thuốc. Các tác dụng thường được ghi nhận nhất bao gồm kích động, lú lẫn và mất phương hướng.

Thuốc chữa bệnh tuyến giáp

BN cường giáp và suy giáp cần sử dụng các thuốc để điều hòa hoạt động sản xuất hormon tuyến giáp, từ đó giúp kiểm soát chuyển hóa. BN cường giáp khi dừng thuốc đột ngột có thể gây ra tình trạng “cơn bão giáp”. Đây là tình trạng nguy kịch đến tính mạng, có các dấu hiệu như tim đập nhanh, sốt, ngất xỉu và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê.

Ngoài ra, dừng đột ngột các thuốc giảm acid dạ dày như esomeprazole, omeprazole... có thể gây ợ nóng phản hồi. Dừng đột ngột liệu pháp hormon như estrogen, estrogen, progestin hay các thuốc tránh thai hằng ngày có thể gây triệu chứng mãn kinh, nóng bừng mặt, đỏ mặt, toát mồ hôi...


ThS.DS. Đoàn Thị Phương Thảo
Ý kiến của bạn