Các loại thuốc điều trị bệnh viêm lợi hoại tử cấp tính

06-02-2022 18:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Viêm lợi hoại tử cấp tính nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ra tổn thương sâu hơn ở các mô quanh răng, thậm chí gây mất răng.

Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm lợiNguyên nhân và cách phòng ngừa viêm lợi

SKĐS - Lợi là phần ngoài cùng của vùng quanh răng, lợi tiếp xúc với thức ăn, các vi khuẩn, nấm, virus có trong miệng nên rất dễ bị viêm nhiễm. Tình trạng viêm lợi xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa hệ thống đề kháng của lợi và tấn công của vi khuẩn.

1. Viêm lợi loét hoại tử cấp tính là gì?

Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG) là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng của nướu. Bệnh khởi phát nhanh chóng gây hoại tử mô mềm giữa và rìa lợi, loét, chảy máu và rất đau đớn gây khó khăn khi ăn uống.

Ở các nước phát triển, bệnh thường gặp ở người lớn, ngược lại, ở các nước đang phát triển, trẻ em là đối tượng hay gặp nhất.

2. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh? 

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám hình thành trên răng, tạo thuận lợi cho vi khuẩn đồn trú gây viêm các mô xung quanh lợi.

Những người có nguy cơ bị bệnh nhất là:

  • Chăm sóc răng miệng kém.
  • Ăn kiêng, dinh dưỡng kém, thiếu hụt vitamin trong đó có vitamin C.
  • Người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch kém hoặc đang điều trị ung thư.
  • Hút thuốc lá.
  • Gặp các vấn đề về tâm lý, thường xuyên căng thẳng.
  • Một số thuốc phenytoin điều trị động kinh, thuốc chẹn kênh canxi…
  • Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng khác trong khoang miệng, họng…

Bệnh cũng cần được phân biệt với viêm miệng lợi do virus Herpes, gây các hồng ban, mụn nước trong khoang miệng, thường gặp nhất ở trẻ em và có thể tự ổn định sau 7 – 10 ngày.

photo-1643342809348

Chăm sóc răng miệng kém là một trong những nguyên nhân gây viêm lợi.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Lợi bị viêm đỏ, sưng, có các tổn thương dạng loét làm người bệnh đau đớn, rất khó khăn trong ăn uống sinh hoạt là dấu hiệu thường gặp nhất. 

Ngoài ra, một số triệu chứng có thể gặp như:

- Sốt.

- Mệt mỏi, ăn uống kém.

- Nướu dễ chảy máu tự nhiên hoặc chỉ bị chạm nhẹ. trên vùng tổn thương hoại tử phủ một lớp màng màu trắng, khi lớp giả mạc được lấy đi sẽ làm tổn thương chảy máu.

- Có vị khó chịu trong miệng.

- Hơi thở rất hôi.

- Bệnh thường hồi phục tốt nếu được chăm sóc và điều trị đúng, nếu không trẻ dễ có biến chứng bệnh nghiêm trọng hơn là viêm nha chu, tổn thương sâu hơn ở các mô quanh răng, thậm chí gây mất răng.

4. Điều trị bệnh viêm lợi

4.1 Dùng thuốc điều trị viêm lợi

Chăm sóc và điều trị tại chỗ là biện pháp điều trị đơn giản và hiệu quả hầu hết các trường hợp mắc bệnh.

4.1.1. Vệ sinh tại chỗ

Các bác sĩ sẽ làm các thủ thuật để vệ sinh sạch và làm khô các tổn thương, lấy bỏ giả mạc và các cặn bẩn bám ở bề mặt tổn thương…

4.1.2. Súc miệng họng

Bệnh nhân sẽ được chỉ định súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn như nước ấm pha với oxy già 3% theo tỷ lệ 1:1; 2 giờ/lần và dung dịch chlorhexidine 0,12%, mỗi ngày 2 lần. Sau 1-2 ngày điều trị, nếu tình trạng tốt hơn có thể ngưng sử dụng nước oxy già, chỉ cần sát khuẩn miệng hoặc bằng dung dịch súc miệng chlorhexidine 0,12% là đủ.

photo-1643342812947

Để điều trị viêm lợi, các bác sĩ sẽ làm các thủ thuật để vệ sinh sạch và làm khô các tổn thương…

4.1.3. Thuốc bôi tại chỗ

Gel glyceryl borat cũng rất hiệu quả để điều trị tại chỗ các tổn thương viêm loét ở miệng, có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị. Khi sử dụng các thuốc bôi, cần vệ sinh tay, sát khuẩn kỹ trước khi bôi để tránh làm nhiễm trùng thêm từ bàn tay bẩn.

4.1.4. Thuốc kháng sinh

Một số trường hợp nặng có sốt, mệt mỏi nhiều hoặc nổi các hạch ngoại vi lân cận cần cân nhắc sử dụng kháng sinh như metronidazol đường toàn thân hoặc tại chỗ. Lưu ý, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc, không tự ý ngưng dùng hoặc tăng liều để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

4.1.5. Thuốc giảm đau

Nếu tình trạng đau nhiều, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen giúp đỡ đau đớn hơn giúp cải thiện ăn uống. Các thuốc xịt, gel có chất gây tê tại chỗ giúp giảm đau miệng nhanh chóng. Tuy vậy không nên lạm dụng sử dụng vì nguy cơ ngộ độc hoặc các tác dụng phụ khác như mất cảm giác ngon miệng… 

Đối với trẻ em, hiện chưa có khuyến cáo sử dụng các loại gel chứa chất gây tê để điều trị tại chỗ tình trạng đau do viêm loét miệng, lợi, dễ gây ngộ độc cần thận trọng sử dụng, không nên tự ý mua sử dụng nếu không có tư vấn của bác sĩ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm lợi hoại tử cấp tính là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám hình thành trên răng, tạo thuận lợi cho vi khuẩn đồn trú gây viêm các mô xung quanh lợi.

4.2. Một số biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc?

Dinh dưỡng rất quan trọng để giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, nhưng khi bị bệnh lại rất khó khăn trong ăn uống do đau đớn. Do đó nên sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến mềm, lỏng, mát và dễ nuốt. Thức ăn chua, cay, mặn có thể làm khó chịu hơn, cần hạn chế sử dụng nhất là trẻ em.

Trong thời gian này, việc chải răng dễ làm tổn thương và chảy máu, cần hạn chế khi bệnh đang nặng loét nhiều. Tình trạng cải thiện hơn có thể chải răng nhưng cần lựa chọn bàn chải mềm và chải nhẹ nhàng. Súc miệng thường xuyên, uống nước nhiều lần cũng giúp làm sạch răng miệng.

5Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm lợi hoại tử cấp tính có thể gặp thường xuyên nếu chăm sóc răng miệng kém, bệnh gây đau đớn, làm mất răng do viêm nha chu nặng, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống nhất là trẻ em. Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa hiệu quả như:

- Chăm sóc răng miệng khoa học: Chải răng ít nhất ngày hai lần sau các bữa ăn, sử dụng bàn chải đánh răng mềm, thay bàn chải ít nhất mỗi 3 – 4 tháng một lần, cân nhắc sử dụng bàn chải đánh răng điện, có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mảng bám và cao răng

Nên sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hoặc chỉ nha khoa để vệ sinh các vị trí mà chải răng không thể làm sạch, không nên dùng tăm để xỉa răng có thể không đảm bảo vệ sinh, thậm chí gây tổn thương răng và ổ răng. Cần khám nha khoa định kỳ, loại bỏ mảng bám, cao răng thường xuyên tại các cơ sở nha khoa.

- Phục hình lại răng nếu có mọc lệch, chấn thương răng hoặc trước đó phục hình răng bị lỗi. Điều này giúp lợi không bị kích ứng và dễ ràng loại bỏ các mảng bám trong quá trình chăm sóc răng.

- Không hút thuốc, sử dụng thực phẩm lành mạnh, hạt chế ăn bánh ngọt, bột đường trước khi ngủ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chìa khóa giúp sớm xác định người mắc COVID-19 kéo dài

BS Trần Đồng
Bệnh Viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn