Hà Nội

Các loại thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu

26-01-2025 12:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc khác nhau theo từng bệnh nhân. Để điều trị có hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Danh mục thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu (UTI - Urinary Tract Infection) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong hệ thống tiết niệu, bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Đây là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ, do cấu trúc niệu đạo ngắn hơn so với nam giới, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh của từng bệnh nhân các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh.

1.1. Thuốc kháng sinh

Kháng sinh là thuốc điều trị chính cho viêm đường tiết niệu do vi khuẩn. Và việc sử dụng kháng sinh cần dựa trên kết quả xét nghiệm cấy nước tiểu hoặc theo phác đồ điều trị để chọn đúng loại kháng sinh hiệu quả, tránh tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Một số thuốc thường dùng:

  • Trimethoprim/Sulfamethoxazole (Bactrim, Septra) có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Nitrofurantoin (Macrobid, Macrodantin) giúp kháng khuẩn, đặc biệt hiệu quả với nhiễm trùng bàng quang.
  • Fosfomycin (Monurol) có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong bàng quang và đường tiết niệu.

Các loại thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu- Ảnh 1.

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh của từng bệnh nhân viêm đường tiết niệu, các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh

  • Ciprofloxacin (Cipro) và Levofloxacin (Levaquin) thường được sử dụng cho nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng phức tạp, bao gồm cả nhiễm trùng thận.
  • Amoxicillin/Clavulanate (Augmentin) phối hợp kháng sinh amoxicillin và clavulanate, giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
  • Ceftriaxone (Rocephin) tiêm tĩnh mạch để điều trị các trường hợp nhiễm trùng nặng.
Tác dụng phụ:
  • Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi…)

  • Dị ứng (phát ban, ngứa, sưng đỏ, phản vệ…)

  • Nhiễm nấm (có thể nhiễm nấm Cadina ở âm đạo hoặc miệng)

  • Rối loạn thần kinh (chóng mặt, đau đầu, thay đổi tâm trạng…)

  • Kháng thuốc

Chống chỉ định:
  • Người dị ứng với kháng sinh và dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc

  • Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Người bị suy gan hoặc suy thận

  • Trẻ nhỏ Người mắc các bệnh lý nền

1.2. Thuốc giảm đau và giảm triệu chứng

Ngoài kháng sinh, bác sĩ có thể kê đơn thêm các thuốc giúp giảm triệu chứng khó chịu như đau buốt và sốt.

Một số thuốc thường dùng:

  • Phenazopyridine (Pyridium) giúp giảm đau rát và cảm giác buốt khi đi tiểu bằng cách làm tê bề mặt đường tiết niệu.
  • Paracetamol (Acetaminophen) giúp đau nhẹ và hạ sốt.
  • Ibuprofen có tác dụng giảm đau, hạ sốt, và giảm viêm.

Tác dụng phụ:

  • Tổn thương gan
  • Phát ban, dị ứng
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Tăng huyết áp
  • Nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ
  • Suy giảm chức năng thận

Chống chỉ định:

  • Người mắc bệnh gan
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Người bị loét dạ dày hoặc đang gặp các vấn đề về tiêu hóa
  • Người bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh tim mạch
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Người bị suy thận

1.3. Thuốc phòng ngừa nhiễm trùng tái phát

Nếu bệnh nhân có nguy cơ tái phát viêm đường tiết niệu nhiều lần, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh liều thấp để sử dụng hàng ngày hoặc sau quan hệ tình dục nhằm phòng ngừa tái phát.

Các loại thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu- Ảnh 2.

Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn loại kháng sinh phù hợp.

Một số thuốc thường dùng:

  • Nitrofurantoin liều thấp phòng ngừa nhiễm trùng tái phát ở những người dễ bị viêm đường tiết niệu.
  • Trimethoprim/Sulfamethoxazole liều thấp phòng ngừa viêm đường tiết niệu tái phát ở những người có nguy cơ cao.

Tác dụng phụ:

  • Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi…)

  • Tăng nguy cơ nhiễm nấm

  • Kháng thuốc

  • Phát ban, dị ứng

Chống chỉ định:

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc

  • Người mắc bệnh gan hoặc thận nặng

  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú

1.4. Probiotics và phương pháp hỗ trợ

Probiotics giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và đường tiết niệu, hỗ trợ hệ miễn dịch và ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển.

Nguồn thực phẩm: Sữa chua không đường, kefir, các sản phẩm lên men.

Tác dụng phụ:

Chống chỉ định:

  • Người có bệnh lý suy giảm miễn dịch
  • Người bị dị ứng với các thành phần bổ sung

1.5. Thảo dược và phương pháp hỗ trợ khác

Một số thảo dược thường dùng:

  • Kim tiền thảo giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giúp giảm viêm nhiễm trong hệ tiết niệu.

  • Râu ngô, mã đề, bồ công anh giúp lợi tiểu, giảm viêm, giải độc, hỗ trợ thải trừ vi khuẩn qua đường tiểu.

Tác dụng phụ:

  • Đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa
  • Tăng nguy cơ sỏi thận
  • Tương tác thuốc
  • Dị ứng

Chống chỉ định:

  • Người bị sỏi thận
  • Người dùng thuốc chống đông máu
  • Người có bệnh thận, gan
  • Phụ nữ có thai và cho con bú
  • Người dị ứng với thảo dược

2. Lưu ý khi dùng thuốc

Khi dùng thuốc điều trị viêm đường tiết niệu (UTI), có một số lưu ý quan trọng mà bạn cần tuân thủ để đảm bảo hiệu quả điều trị, giảm thiểu tác dụng phụ và ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc.

Các loại thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu- Ảnh 3.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị để đảm bảo hiệu quả điều trị.

2.1. Tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc

Để đạt hiệu quả điều trị cao, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thuốc và liều lượng sử dụng thuốc, không tự ý giảm liều ngay cả khi triệu chứng đã cải thiện.

Kháng sinh phải được sử dụng đúng liều và đủ thời gian để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng nên cần hoàn thành liệu trình kháng sinh để tránh tình trạng nhiễm trùng tái phát hoặc kháng kháng sinh.

2.2. Không tự ý ngưng thuốc

Không ngừng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ, ngay cả khi triệu chứng đã biến mất. Việc ngừng kháng sinh quá sớm khi triệu chứng đã giảm nhưng vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

2.3. Uống đủ nước trong quá trình điều trị

Uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ để giữ nước và thúc đẩy quá trình thải trừ vi khuẩn. Uống nhiều nước giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu, hỗ trợ hiệu quả điều trị viêm đường tiết niệu.

2.4. Thực hiện các xét nghiệm cấy vi sinh nếu được yêu cầu

Cấy nước tiểu để xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và độ nhạy cảm của nó với các loại kháng sinh. Điều này giúp bác sĩ kê đơn loại kháng sinh phù hợp nhất.

Cần thực hiện xét nghiệm đúng thời điểm và theo chỉ định để xác định hiệu quả của thuốc và điều chỉnh nếu cần thiết.

2.5. Phản ứng dị ứng với thuốc kháng sinh

Một số người có thể bị dị ứng với các loại kháng sinh, đặc biệt là với kháng sinh nhóm penicillin, sulfa gây phát ban, ngứa, sưng, khó thở hoặc gặp các phản ứng phụ của kháng sinh như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, hoặc nhiễm nấm candida (nấm âm đạo hoặc nấm miệng) cần ngưng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Các loại thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu- Ảnh 4.

Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý uống thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu.

2.6. Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau

Một số loại thuốc giảm đau có thể tương tác với kháng sinh hoặc gây tác động không mong muốn lên cơ thể. Nếu cần sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen, nên dùng theo đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau.

2.7. Không uống rượu trong thời gian dùng thuốc

Tránh uống rượu trong thời gian điều trị, đặc biệt là khi sử dụng kháng sinh như metronidazole hoặc tinidazole. Uống rượu trong khi dùng kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi.

2.8. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa

Sau khi điều trị thành công, người bệnh vẫn có nguy cơ viêm đường tiết niệu tái phát nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Theo đó, để phòng ngừa bệnh, người bệnh nên:

  • Uống đủ nước hàng ngày
  • Đi tiểu sau quan hệ tình dục để đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo
  • Duy trì vệ sinh cá nhân tốt, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh (lau từ trước ra sau)
  • Mặc đồ lót cotton và tránh quần áo quá chật

2.9. Theo dõi triệu chứng và tái khám nếu cần

Tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ và xét nghiệm nước tiểu lại để đảm bảo vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Nếu sau vài ngày điều trị, triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn, có thể bạn cần thay đổi thuốc hoặc phương pháp điều trị.

6 đồ uống tốt cho người bị viêm đường tiết niệu6 đồ uống tốt cho người bị viêm đường tiết niệu

SKĐS - Người bị viêm đường tiết niệu thường điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, việc lựa chọn một số loại đồ uống phù hợp có thể giúp giảm các triệu chứng viêm đường tiết niệu.


ThS.BS Phạm Hoàng Vũ
Ý kiến của bạn