PPI có sẵn theo đơn hoặc không kê đơn để điều trị trào ngược axit, loét dạ dày tá tràng và các tình trạng tiêu hóa khác. Đây là một trong số 10 loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, sử dụng lâu dài các loại thuốc này có liên quan đến nguy cơ gãy xương, bệnh thận, nhiễm trùng đường tiêu hóa và ung thư dạ dày.
Ở ngiên cứu này, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập thông tin từ các nghiên cứu của hơn 200.000 người và phát hiện ra rằng việc sử dụng thường xuyên PPI có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 24%. Những người sử dụng thuốc càng lâu thì tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường càng cao. Kết quả này cũng được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Gut mới đây.
TS Jinqiu Yuan, Đại học Sun Yat-Sen, Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc và cộng sự đã dựa trên dữ liệu từ ba nghiên cứu dài hạn của các chuyên gia y tế Hoa Kỳ bắt đầu từ những năm 1970 và 1980; bao gồm hơn 176.000 phụ nữ và gần 29.000 nam giới. Những người tham gia cung cấp thông tin về sức khỏe và hành vi của họ hai năm một lần. Vào đầu những năm 2000, các câu hỏi mở rộng bao gồm việc liệu họ đã sử dụng PPI hai hay nhiều lần một tuần hay chưa.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2, bao gồm huyết áp cao, cân nặng và không hoạt động thể chất… các nhà khoa học phát hiện mối hiện liên kết giữa việc sử dụng PPI thường xuyên với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2. Việc sử dụng càng lâu dài cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Những người tham gia nghiên cứu sử dụng PPIs trong tối đa hai năm có nguy cơ tăng 5% và nguy cơ tăng 26% đối với những người dùng thuốc hơn hai năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 cao hơn 14% ở những người dùng thuốc chẹn thụ thể H2 trị chứng ợ nóng.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ chính xác cách dùng thuốc giảm axit có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng theo các tác giả, có thể do thay đổi sự cân bằng tự nhiên của cơ thể về vi khuẩn (hệ vi sinh vật) hoặc một khả năng khác là sử dụng PPI có thể dẫn đến tăng cân và có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ vấn đề này.
Tiến sĩ David Bernstein, một chuyên gia về bệnh tiêu hóa từ Northwell Health ở Manhasset, NY, đã xem xét các phát hiện, cho biết: PPI là liệu pháp hiệu quả nhất để điều trị trào ngược axit, viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng. Khi lần đầu tiên được giới thiệu, chúng được coi là loại thuốc 'thần kỳ' vì chúng làm giảm các cơn đau bụng khó chữa trước đây. Thật không may, những loại thuốc này lại có liên quan đến một số tác dụng phụ lâu dài, nghiêm trọng.
Bernstein cho biết: Kết quả nghiên cứu này sẽ cảnh báo thêm một hậu quả tiềm tàng khác đối với danh sách các tình trạng y tế đang ngày càng gia tăng liên quan đến việc sử dụng PPI lâu dài.
Dựa trên những phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những người dùng PPI trong một thời gian dài nên được theo dõi lượng đường trong máu của họ để có cách kiểm soát bệnh tiểu đường nếu gặp phải.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu này cho thấy có sự liên kết giữa PPI và bệnh tiểu đường loại 2 chứ không được thiết kế để chứng minh mối quan hệ nguyên nhân và kết quả.
Các nhà khoa học khuyến cáo, do các rủi ro có thể xảy ra, nên chỉ dùng các thuốc PPI khi thật cần thiết và dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Đối với những người cần tiếp tục điều trị PPI, bác sĩ và bệnh nhân cần thảo luận về rủi ro và lợi ích của thuốc. Người bệnh không tự ý dùng thuốc điều trị kéo dài.