Quá trình tiêu hoá thức ăn và hấp thu dinh dưỡng là một quá trình phức tạp, cần sự hoàn chỉnh và nhịp nhàng về chức năng hoạt động của các cơ quan, cụ thể như: tiết đầy đủ axit trong dịch dạ dày, sản xuất đủ các men tiêu hoá ở tụy, ruột và gan, tiết đủ dịch tiêu hóa và sự bình thường về nhu động ruột… Khi một trong các hoạt động trên bị ảnh hưởng sẽ cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng, nếu diễn ra lâu dài sẽ rất hại sức khỏe.
Thuốc gây giảm hoạt động tiết axit của dạ dày
Những thuốc làm giảm hoạt động tiết axit của dạ dày có thể “điểm mặt” như: thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng (cimetidin, rannitidin, famotidin, nizatidin, omeprazol, lansoprazol, esomeprazol, pantoprazol, rabeprazol, hydroxide, magnesium trisilicte, magnesium hydroxide) sẽ dẫn đến chậm tiêu và giảm hấp thu thức ăn, đặc biệt là các thức ăn giàu chất đạm và chất béo như thịt, cá, trứng. Do thức ăn cần được axit dạ dày phân huỷ lớp màng bao quanh, tạo điều kiện để các men tiêu hoá trong dạ dày, ruột, tụy ngấm vào và tiêu hoá thức ăn. Nếu không có axit thì lớp màng này khó bị tiêu huỷ và các men này khó lách được vào tận bên trong tảng thức ăn. Kết quả là thức ăn lâu tiêu, quá trình hấp thu giảm.
Thuốc làm giảm khả năng tiết mật, tác động lên men tiêu hóa
Các thuốc làm giảm khả năng tiết mật của gan, điển hình là các thuốc hạ sốt, chống viêm paracetamol, thuốc ức chế virut viêm gan B loại lamivudin, thuốc kháng giáp loại PTU, thuốc chống ung thư… cũng làm giảm khả năng tiêu hoá, nhất là tiêu hoá thực phẩm giàu lipid như dầu thực vật, bơ, sữa, thịt mỡ. Nếu sử dụng những thuốc này kéo dài sẽ làm tổn thương nghiêm trọng chức năng gan, do vậy, khả năng tiêu hóa thức ăn sẽ kém.
Một số thuốc làm giảm tác dụng của men tiêu hóa dẫn đến giảm hấp thụ thức ăn.
Chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ, chuyển hóa thành năng lượng và các phần tử căn bản để cấu tạo tế bào. Sự chuyển hóa các chất xảy ra phần lớn nhờ các enzym tiêu hóa xúc tác. Một số thuốc ức chế sự tổng hợp enzym bằng cách lấy đi vài vi chất cần thiết cho việc tạo ra enzym đó. Ví dụ, thuốc chống ung thư và tác động vào hệ miễn dịch methrotrexate; thuốc pyrimethamine chữa sốt rét, hai loại thuốc này lấy đi acid folic trong ADN của enzym làm cho men tiêu hóa mất tác dụng và bị tiêu hủy khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số thuốc làm giảm tác dụng của một vài men tiêu hóa, làm giảm hấp thụ thức ăn: như các thuốc hạ cholesterol, thuốc kháng sinh neomycin giảm tác dụng của mật gây khó khăn cho sự tiêu hóa thức ăn có chất béo.
Làm chậm tiêu, kém hấp thu
Các thuốc ức chế hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm hay những thuốc làm cường giao cảm, điển hình là atropin điều trị ngộ độc hay điều trị các cơn đau co thắt, prostigmin điều trị liệt cơ… Những thuốc này làm giảm rõ rệt số lượng dịch nước bọt, thể tích dịch ruột nên giảm khả năng phân huỷ thức ăn. Vì vậy, người bệnh dùng các thuốc này thường cảm thấy khô miệng, chán ăn.
Giảm vận chuyển và hấp thụ dinh dưỡng
Sự hấp thụ thức ăn được thực hiện thông qua lớp nhầy bề mặt và nhung mao ruột. Việc sử dụng các thuốc làm băng se niêm mạc đường tiêu hoá hay bao phủ bề mặt chức năng thì sẽ làm giảm vận chuyển và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đó là các thuốc như: smecta (điều trị tiêu chảy); bismut, phosphalugel (trị viêm loét dạ dày tá tràng). Vì vậy, sử dụng smecta kéo dài hoặc lạm dụng phosphalugel sẽ ảnh hưởng dinh dưỡng của cơ thể.
Không kịp hấp thu dinh dưỡng vì thuốc làm tăng nhu động ruột
Các thuốc nhuận tràng dùng để điều trị táo bón có tác dụng làm tăng nhu động ruột khiến thức ăn qua ruột quá nhanh. Chỉ trong chưa tới 4 giờ sau ăn, quá trình lưu thông đã kết thúc, thức ăn bị đẩy tới tận hậu môn. Tốc độ chóng mặt này làm các men tiêu hoá không kịp ngấm vào sâu, các phản ứng phân cắt chưa kịp thực hiện, các công đoạn hấp thu chưa kịp hoàn thành thì thức ăn đã đi... ra ngoài. Vì vậy, cơ thể không thể hấp thụ dinh dưỡng. Đây cũng là lời cảnh báo cho những ai lạm dụng hoặc dùng thuốc nhuận tràng kéo dài, hoặc muốn dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân dễ mất cân bằng dinh dưỡng và gây hệ lụy nguy hiểm cho cơ thể.
Làm thay đổi vị giác, sợ ăn dẫn tới suy dinh dưỡng
Các thuốc sulfasalazine trị bệnh thấp khớp, colchicine chữa gout, chlorpropamide điều trị đái tháo đường, thuốc lợi tiểu furosemide, hydrochlorothiazide; thuốc trị suy tim digitalis; thuốc an thần temazepam; đặc biệt là các hóa chất trị ung thư làm cho người bệnh buồn nôn, giảm vị giác, thấy thức ăn không còn hấp dẫn. Thuốc làm giảm hoặc thay đổi vị giác thì rất nhiều: thuốc an thần meprobamate; thuốc ngủ dalmane; thuốc chống trầm cảm lithium; thuốc kháng nấm griseofulvin... làm cho người sử dụng thuốc không muốn ăn nên giảm số lượng thực phẩm đưa vào cơ thể, quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Để tránh hậu quả tương tác xấu giữa thuốc và thức ăn khiến quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, người sử dụng thuốc cần tìm hiểu các ưu và nhược điểm của thuốc. Trong quá trình dùng thuốc thấy bị ăn mất ngon, miệng khô đắng thì cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, không để tình trạng kém ăn kéo dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức khỏe. Mọi người không nên tự ý dùng thuốc mà chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ và lời dặn kiêng kỵ thức ăn khi dùng từng loại thuốc cụ thể.