Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù trên thế giới và ở Việt Nam, thường gặp ở đối tượng người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần người bệnh không còn nhìn thấy gì.
Các loại đục thuỷ tinh thể
Các chuyên gia nhãn khoa cho biết, để giải quyết tình trạng bệnh lý này, người bệnh đục thủy tinh thể sẽ được điều trị bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo (hay còn gọi là Intraocular lens – IOL). Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng thị giác của người bệnh sau phẫu thuật Phaco. Bản chất của IOL là 1 thấu kính nội nhãn rất nhỏ, được chế tạo phù hợp với mắt người, nhằm thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên bị đục đã được tán nhuyễn và hút ra ngoài trong phẫu thuật thay thủy tinh thể để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh.
Thể thủy tinh nhân tạo phi cầu
Các loại thể thủy tinh nhân tạo phi cầu giúp giảm bớt cầu sai cho hệ thống quang học của mắt. Thông thường giác mạc có cầu sai dương được bù trừ bằng cầu sai âm của thể thủy tinh khi tuổi còn trẻ. Tuy nhiên thể thủy tinh tự nhiên sẽ biến đổi dần độ cong theo tuổi và cầu sai dần trở về 0 và chuyển thành cầu sai dương.
Thể thủy tinh nhân tạo cầu bình thường làm tăng quang sai cầu của hệ kính (tăng cầu sai dương), chính vì thế các nhà khoa học đã thiết kế ra các loại thể thủy tinh nhân tạo có cầu sai âm để làm giảm bớt độ quang sai dương sẵn có.
Có 3 cách thức tạo kính phi cầu: kính có cầu sai bằng 0, kính cầu sai âm bằng đúng độ cầu sai dương của giác mạc, kính có độ cầu sai âm chỉ triệt tiêu một phần độ cầu sai dương của giác mạc
Thể thủy tinh nhân tạo điều chỉnh loạn thị
Các loại kính điều chỉnh loạn thị thường được đánh dấu trục và đo đạc hết sức chính xác. Việc đặt kính trụ trong túi bao cần đúng trục do cứ lệch trục 10 sẽ làm giảm đi 3% hiệu quả của công suất trụ.
Thể thủy tinh nhân tạo điều chỉnh lão thị
Kính điều chỉnh lão thị được sản xuất dựa trên công nghệ đổi vùng khúc xạ, công nghệ nhiễu xạ hoặc kết hợp công nghệ nhiễu – khúc xạ.
Thuỷ tinh thể đa tiêu khúc xạ vùng
Người ta tạo các vùng khác nhau trên bề mặt kính (5 vùng). Việc điều chỉnh nhìn xa hay gần tùy thuộc độ co hay dãn của đồng tử. Vùng trung tâm được thiết kế để nhìn xa, vùng kế tiếp để nhìn gần, sau đó lần lượt là các vùng nhìn xa, nhìn gần và nhìn xa ở ngoài cùng.
Thủy tinh thể đa tiêu nhiễu xạ
Được thiết kế các thành bậc giúp công suất kính ở trung tâm cao hơn giúp nhìn gần. Tùy theo độ cao của các bậc trên thủy tinh thể nhiễu xạ, các tia sáng bị gãy khúc và tập trung vào các tiêu cự khác nhau. Dựa vào nguyên lý này, người ta có thể phân chia các tia sáng vào 2 hoặc 3 tiêu cự định sẵn tương ứng với khoảng nhìn xa, nhìn gần và khoảng trung gian.
Kết quả ứng dụng các thủy tinh thể đa tiêu trên lâm sàng thường rất khả quan. Trong khoảng thời gian từ 2007 tới nay, các bác sĩ BV Mắt Trung ương đã tiến hành phẫu thuật đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu cự như AT lisa (Carl Zeiss), Fine Vision ( PhysIOL), Technis multìocal( Johnson & Jonhson) , Restor ( 3. 4) (Alcon). Các bác sĩ nhận thấy, vào thời điểm bệnh nhân đến khám cuối cùng 77,33% trường hợp có thị lực nhìn xa từ 20/25 trở lên, 94,67% trường hợp có thị lực nhìn gần từ 6/10 trở lên, thị lực trung gian ở 63cm là 79,00± 7,04. Chỉ số khúc xạ cũng rất cao với khúc xạ cầu sau mổ -0,23±0,49D và khúc xạ trụ -0,54±0,55D (từ 0- 1,5D). Chỉ còn khoảng 5,5% trường hợp thỉnh thoảng cần đeo kính hỗ trợ sau mổ, các trường hợp khác hoàn toàn không cần dùng kính. Ngoài ra các thủy tinh thể đa tiêu hiện có thường có biên độ điều tiết tương đối rộng khoảng 54-55cm. Với những kết quả tốt và không phụ thuộc kính đeo ngoài nên tỷ lệ lựa chọn đặt thủy tinh thể đa tiêu cự ngày càng tang.
Gần đây, công nghệ EDOF (Extened Depth of focus) được 1 số nhà sản xuất đưa vào áp dụng trong sản xuất thủy tinh thể điều chỉnh lão thị. Công nghệ này cho phép điều chỉnh độ cong bề mặt thủy tinh thể giúp cho kéo dài tiêu điểm của kính, nhờ đó người bệnh có thể nhìn được với khoảng nhìn rõ lớn hơn trước.
Lựa chọn thể thủy tinh nhân tạo nào cho phù hợp?
Thiết kế cắt ngang nhãn cầu
Cùng với sự tiến bộ về phương pháp phẫu thuật, các loại thể thủy tinh nhân tạo cũng được cải tiến không ngừng. Nhiều loại thể thủy tinh nhân tạo mới ra đời đã góp phần cải thiện đáng kể thị lực của bệnh nhân, chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn rất nhiều. Với những mẫu thể thủy tinh nhân tạo hiện đại, các biến chứng đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là biến chứng sa lệch thủy tinh nhân tạo.
Theo các chuyên gia, hầu hết các loại thể thủy tinh nhân tạo dùng cho bệnh nhân đục thể thủy tinh đều là loại mềm, dùng súng bắn vào trong túi bao nên đường rạch nhỏ, không phải khâu, thị lực phục hồi nhanh sau mổ, có thể xuất viện ngay trong ngày. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng mắt bệnh nhân, tùy thuộc nhu cầu cũng như điều kiện kinh tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn giúp họ lựa chọn thể thủy tinh nhân tạo phù hợp nhất mang lại kết quả tốt nhất.
Việc lựa chọn thể thủy tinh nhân tạo có thể căn cứ vào:
Chọn loại thủy tinh thể phù hợp: Việc lựa chọn đúng loại thủy tinh thể phù hợp về cả chất liệu, hình dạng, kích thước cũng ảnh hưởng đến khúc xạ sau mổ của bệnh nhân do nó quyết định đến hằng số A trong công thức tính công suất thủy tinh thể.
Vị trí đặt thủy tinh thể: thủy tinh thể phải đặt được vào trong bao thể thủy tinh vì có nghiên cứu đã chứng minh được nếu thủy tinh thể lệch ra phía tiền phòng 1mm thì khúc xạ sau mổ có thể thay đổi 1.00D. Yếu tố này được gọi là vị trí thể thủy tinh hiệu quả.
Giới hạn công suất thủy tinh thể: Sai lệch về công suất thủy tinh thể đặt cho bệnh nhân còn do giới hạn về công suất hiện có của cơ sở phẫu thuật. Sai lệch về công suất thủy tinh thể lớn gây ra khúc xạ tồn dư sau mổ một cách không mong muốn.
Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể
Tuy bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Vì thế theo các chuyên gia, điều quan trọng là người dân phải biết phòng ngừa căn bệnh này bằng cách duy trì thói quen khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
Cần điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như glocom, viêm màng bồ đào.
Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm...
Cần hạn chế các yếu tố nguy cơ khác, ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc, hạn chế bia rượu…