1. Bệnh Parkinson có nhiều nguyên nhân
Bệnh Parkinson là một bệnh thường thấy ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu, tuổi khởi bệnh trung bình từ 58 đến 60, xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng.
Trên thực tế ngoài bệnh Parkinson còn nhiều bệnh nhân có biểu hiện giống bệnh Parkinson gọi là hội chứng Parkinson. Hội chứng parkinson thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)... Bệnh Parkinson nguyên phát đến nay vẫn được coi là chưa rõ nguyên nhân.
2. Biểu hiện của bệnh Parkinson
- Các biểu hiện chính của bệnh Parkinson bao gồm: Run bàn tay, cánh tay hoặc chân, thường khởi phát ở một bên người, run xuất hiện ở tư thế nghỉ, khi thực hiện các công việc thường ngày thì cử động bị chậm chạp, bước chân đi bị chậm và kéo lê bước, rối loạn về thăng bằng, và cứng đờ các cơ bắp.
- Khi bệnh tiến triển thì sẽ có các triệu chứng như: Giảm biểu cảm của nét mặt, chảy nước miếng, khó xoay trở người, tư thế người như đông cứng, dáng đứng còng xuống, mệt mỏi, chữ viết bị nhỏ lại, táo bón, rối loạn về giấc ngủ, giọng nói thều thào, rối loạn nuốt, rối loạn trí nhớ và rối loạn chức năng tư duy, trầm cảm, lo sợ, đau, rối loạn cảm giác, tiểu không kìm được, rối loạn tình dục, da khô, chóng mặt khi đứng và bị té ngã. Các triệu chứng này có thể nổi trội hơn lên.
3. Các rối loạn nhận thức thường gặp ở người bệnh Parkinson
Không phải là tất cả người bệnh đều xảy ra các rối loạn nhận thức, nhiều người bệnh Parkinson có trí nhớ tốt và chức năng nhận thức bình thường. Tuy nhiên, biểu hiện hay quên có thể xảy ra trong quá trình lão hoá thông thường, người bệnh Parkinson giai đoạn muộn có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn.
-Cụ thể là gặp vấn đề về sự chú ý, suy nghĩ và trí nhớ. Các rối loạn nhận thức phổ biến mà người bệnh Parkinson thường gặp khó khăn khi tập trung và chú ý như lên kế hoạch tổ chức một sự kiện nào đó, tiếp tục một cuộc trò chuyện hoặc giải quyết các vấn đề phức tạp, hình thành các suy nghĩ một cách nhanh chóng, nhớ các sự kiện hoặc chi tiết các sự kiện…
Khi chức năng nhận thức giảm nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh thì được gọi là suy giảm nhận thức nhẹ. Khi chức năng nhận thức giảm nặng gây ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày thì được gọi là sa sút trí tuệ.
-Nhiều người bệnh Parkinson bị suy giảm nhận thức có triệu chứng hoang tưởng và ảo giác. Ảo giác là lúc đang thức người bệnh nghe thấy hoặc nhìn thấy những thứ không có thật. Trong bệnh Parkinson, ảo giác phổ biến nhất là ảo thị. Họ có thể thấy người hoặc con vật nào đó mà thật sự là không có.
Đầu tiên, đa số mọi người biết rằng đó là các ảo giác không có thật. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể gặp khó khăn để nhận ra cái gì là có thật và cái gì là ảo giác. Chẳng hạn, người bệnh Parkinson có ảo giác những điểm trên tường là côn trùng.
Hoang tưởng là những niềm tin sai lầm không đúng với thực tế. Hoang tưởng phổ biến bao gồm các suy nghĩ có thêm người đang sống trong nhà, vợ hoặc chồng đang lừa dối, hoặc nghĩ ai đó đang trộm đồ của họ. Điều này thường xảy ra ở người bệnh Parkinson giai đoạn muộn.
4. Cần làm gì khi người bệnh Parkinson có các vấn đề về nhận thức?
Điều trị bệnh Parkinson căn bản là dựa vào thuốc và luyện tập phục hồi. Cũng có thể phải phẫu thuật não cho một vài trường hợp đã được chọn lọc. Khi bệnh nặng dần, thì phải điều chỉnh lại số lượng thuốc và số lần uống thuốc.
Tùy từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể. Nếu người bệnh có biểu hiện hoang tưởng và ảo giác có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh lại các thuốc như thuốc ngủ và thuốc giảm đau. Nếu như các triệu chứng này vẫn xảy ra mặc dù đã thay đổi các thuốc trên, bác sĩ có thể sẽ giảm một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson. Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện hoặc các triệu chứng vận động của người bệnh nặng hơn, bác sĩ có thể sẽ kê toa các thuốc để điều trị nhận thức.
Đối với người bệnh việc kiểm soát huyết áp tốt là rất cần thiết. Ngoài ra cần có giấc ngủ tốt, dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục điều độ có tác động tốt đối với chức năng nhận thức.
Người bệnh hãy nói cho bác sĩ biết nếu các vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ hoặc kỹ năng ra quyết định bắt đầu ảnh hưởng đến các thói quen hàng ngày. Bác sĩ có thể sẽ làm các bài đánh giá về nhận thức. Bác sĩ sẽ xem xét lại các thuốc người bệnh đang sử dụng xem có thuốc nào ảnh hưởng đến nhận thức không.
Nếu các vấn đề về trí nhớ trở nên nặng hơn người bệnh hãy thảo luận với gia đình và bác sĩ về kế hoạch sắp xếp cuộc sống trong tương lai, bao gồm chăm sóc tại nhà hoặc tại một cơ sở chăm sóc.
5. Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần, ngoài các tác dụng phụ của các thuốc điều trị ở trên còn gặp các tai biến, biến chứng như: Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng. Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương vì vậy nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi…. Chính vì vậy, bệnh nhân nên tập luyện, đi chậm, bước dài chân, tập thở sâu, tắm nắng… Tăng cường dinh dưỡng, các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D. Có các biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng. Phòng và tránh ngã để hạn chế nguy cơ gãy xương…
Ngoài ra, mỗi một bệnh nhân có một quá trình điều trị bệnh Parkinson khác nhau vì vậy rất cần tái khám đều đặn hàng tháng để việc theo dõi, điều chỉnh liều lượng thuốc đối với từng bệnh nhân là rất cần thiết, kết hợp với việc chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân tại nhà nhằm giúp chăm sóc giảm nhẹ, tránh để di chứng vận động, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Sáng 28/3: Omicron lây lan khắp thế giới, nhiều người có thể tái nhiễm dòng 2 của biến thể này