Trên thế giới có khoảng 400 loài muỗi Anopheles nhưng chỉ có khoảng 60 loài có khả năng truyền bệnh sốt rét. Ở Việt Nam cũng đã xác định có khoảng trên 60 loài muỗi Anopheles, trong đó có 15 loài có khả năng truyền bệnh sốt rét gồm loài chính, loài phụ và loài nghi ngờ. Ở mỗi vùng sinh địa cảnh đều có một số loài muỗi đặc trưng riêng như vùng ven biển, đồng bằng, trung du, rừng núi. Ở mỗi mùa trong năm cũng có những quần thể muỗi hoạt động riêng nên thường được gọi là muỗi Anopheles mùa mưa và muỗi Anopheles mùa khô. Về mặt sinh học, muỗi Anopheles có những kẻ đối nghịch có thể tiêu diệt chúng nên các nhà khoa học đã lợi dụng kẻ đối nghịch này để tiêu diệt muỗi. Kẻ đối nghịch của bọ gậy muỗi Anopheles là một số vi khuẩn như Bacillus thuringiensis, Bacillus sphaericus...; một số loài giun và loài cá... Kẻ đối nghịch của muỗi Anopheles trưởng thành là loài dơi, thạch sùng, nhện... Các loại hóa chất diệt côn trùng ảnh hưởng đến bọ gậy muỗi và muỗi trưởng thành trong thời gian gần đây đang có xu hướng hạn chế hiệu quả, có nhiều loài muỗi Anopheles đã kháng lại với các loại hóa chất diệt; đây là một khó khăn kỹ thuật, gây trở ngại lớn trong việc thực hiện biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh của chương trình phòng chống sốt rét.
Nước ta đã phát hiện có khoảng trên 60 loài muỗi Anopheles, trong đó có 15 loài được xác định là muỗi truyền bệnh chính, truyền bệnh phụ và nghi ngờ truyền bệnh sốt rét. Các loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính hoạt động ở các vùng sốt rét lưu hành gồm Anopheles minimus, Anopheles dirus và Anopheles epiroticus.
Muỗi Anopheles dirus truyền bệnh sốt rét ở trong rừng và bìa rừng.
Anopheles minimus hoạt động ở vùng đồi núi và rừng núi trên toàn quốc, phổ biến ở nơi có độ cao từ 200-800 mét và hiếm khi gặp ở độ cao trên 1.500 mét; chúng cũng có mặt tại một số địa phương vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Muỗi thích đốt máu người, tỷ lệ đốt máu thay đổi theo từng địa phương và phụ thuộc vào mức độ hiện diện của loài động vật khác như trâu bò. Ở những vùng ít trâu bò, muỗi có tỷ lệ đốt máu người cao hơn. Trước khi sử dụng hóa chất diệt côn trùng, muỗi được xác định ưa đốt máu người trong nhà nhưng sau một thời gian sử dụng hóa chất, tỷ lệ muỗi đốt máu người ở ngoài nhà tăng lên. Muỗi thường có hoạt động đốt máu người suốt đêm với đỉnh cao phổ biến từ 22 giờ đến 3 giờ sáng. Chúng thường có tập tính trú đậu trong nhà ở những nơi ưa thích như bề mặt tường vách, quần áo, dụng cụ treo trong nhà, phía sau tủ, gầm bàn, gầm giường, trên mái tranh ở những nhà có vách thấp. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ muỗi trú đậu ở ngoài nhà ban ngày tại các hốc cây, hốc đất nằm ven suối.
Anopheles dirus trước đây được định loại là Anopheles balabacensis. Chúng phân bố hoạt động ở trong rừng và bìa rừng, đồng thời cũng có thể phát hiện ở các khu vực trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Ở trong rừng, muỗi chủ yếu đốt máu các loài linh trưởng như vượn, khỉ, đười ươi; khi có sự hiện diện của người thì chúng chuyển sang đốt máu người và loài muỗi này cũng được xem là loài ưa thích đốt máu người. Muỗi có tập tính đốt máu người cả trong nhà và ngoài nhà với tỷ lệ thay đổi theo từng địa phương. Hoạt động đốt máu người xảy ra suốt đêm và đỉnh hoạt động có thể thay đổi theo vùng và theo mùa. Ở nước ta, các nhà khoa học ghi nhận hoạt động đốt máu người phổ biến từ 20 đến 24 giờ, tại một số địa phương có khoảng 85% bắt được muỗi trước 24 giờ và chỉ có 15% bắt được muỗi sau 24 giờ. Trên thực tế, hoạt động đốt máu người sớm hơn của muỗi một phần nào đã hạn chế tác dụng của màn ngủ tẩm hóa chất vì có một tỷ lệ đáng kể muỗi đốt máu người trước khi đi ngủ, do đó, biện pháp dùng màn ngủ tẩm hóa chất không phát huy được hiệu quả tốt. Muỗi có tập tính trú đậu và tiêu máu ở ngoài nhà nên rất ít khi bắt được muỗi trú đậu trong nhà ngay cả khi việc bắt muỗi được tiến hành từ sáng sớm Do muỗi trú đậu ở ngoài nhà nên tác động của biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng ở trong nhà thường rất hạn chế đối với chúng.
Anopheles epiroticus trước đây được định loại là Anopheles sundaicus, chúng phân bố hoạt động ở vùng ven biển nước lợ từ Phan Thiết trở vào phía Nam. Muỗi đốt cả máu người và máu động vật, tính ưa thích đốt máu này thay đổi đáng kể theo từng vùng địa lý. Ở nước ta chúng được các nhà khoa học xác định là loài muỗi ưa đốt máu người. Muỗi có tập tính đốt máu người cả trong nhà và ngoài nhà, hoạt động đốt máu người xảy ra suốt đêm, không có đỉnh cao rõ ràng. Chúng thường trú đậu và tiêu máu ở trong nhà ban ngày, tuy nhiên dưới ảnh hưởng của hóa chất diệt côn trùng sử dụng trong phòng chống sốt rét nên có một tỷ lệ đáng kể muỗi chuyển ra trú ẩn ở ngoài nhà.