Người mắc chứng hoang tưởng luôn có niềm tin rằng đang có những người theo dõi, muốn làm hại mình, hoặc cho rằng mình rất tài giỏi, giàu sang, có những khả năng đặc biệt...
Hoang tưởng không thể tự khỏi nếu không sớm có biện pháp điều trị kịp thời. Dưới đây là các loại hoang tưởng hay gặp nhất.
1. Hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng bị hại là một trong những dạng rối loạn hoang tưởng phổ biến hiện nay. Khi mắc, người bệnh luôn có niềm tin rằng đang có người hay một thế lực nào đó có âm mưu làm hại mình, cảm giác như luôn có mối nguy hiểm kề cận nên luôn trong trạng thái đề phòng. Họ luôn nghi ngờ xung quanh và cho rằng mình đúng.
Họ dành rất nhiều thời gian để bảo vệ mình. Những hành động hết sức bình thường của những người xung quanh cũng đều trở thành nguy hiểm hoặc mang tính chất khiêu khích, coi thường thông qua con mắt của những người mắc chứng hoang tưởng.
Những người mắc hoang tưởng bị hại thường do nghiện các chất kích thích như ma túy, rượu; hoặc mắc các bệnh như tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh. Người gặp các tai nạn khiến chấn thương sọ não, trải qua các cuộc phẫu thuật não kéo dài… cũng dễ mắc hoang tưởng bị hại.
Khi mắc hoang tưởng bị hại, người bệnh luôn cảm thấy nghi ngờ, chống đối người khác vì do nghĩ có người đang tấn công, hại mình. Họ luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ kích động, luôn có những cảm xúc lẫn lộn, thay đổi bất ngờ. Họ còn cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ gặp ác mộng.
2. Hoang tưởng tự cao
Hoang tưởng tự cao là các ý nghĩ sai lầm, cho rằng mình rất tài giỏi, giàu sang, có những khả năng đặc biệt... Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường. Hoang tưởng này hay gặp trong giai đoạn hưng cảm nặng. Bệnh nhân cho rằng mình có nhiều tài năng, có khả năng đặc biệt.
Hoang tưởng tự cao có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau khi có một giai đoạn hưng cảm. Bệnh nhân hưng cảm có hoang tưởng tự cao thường hồi phục không hoàn toàn và khó điều trị hơn người bệnh hưng cảm không có hoang tưởng tự cao.
Người mắc hoang tưởng tự cao trong một giai đoạn hưng cảm biểu hiện là hưng phấn, phấn khích và vui sướng quá mức, họ mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục và trong nghề nghiệp. Giai đoạn này bệnh nhân giảm nhu cầu ngủ nhưng không hề thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống.
Bệnh nhân luôn biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan, nói cười huyên thuyên. Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ, nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau...
Bệnh nhân có hoang tưởng tự cao thường phải điều trị nội trú trong bệnh viện tâm thần do họ không thừa nhận bệnh nên không chịu uống thuốc. Khi hết hoang tưởng tự cao, họ có thể được ra viện, về tiếp tục điều trị củng cố tại nhà. Các bệnh nhân này cần uống thuốc điều trị củng cố suốt đời.
3. Hoang tưởng ghen tuông
Hội chứng này khiến bệnh nhân rơi vào vòng luẩn quẩn và ám ảnh bởi sự nghi ngờ vô cớ với người mình yêu. Mặt khác, người mắc bệnh hoang tưởng ghen tuông luôn tự đưa ra các phán đoán, đồng thời khẳng định đối tác là người giả dối. Bệnh thường đi kèm với nhiều bệnh tâm thần khác như hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng có người theo dõi…
Mắc hoang tưởng ghen tuông, người bệnh có cách hành xử hoàn toàn phi lý. Mối quan tâm lớn nhất của họ trong các mối quan hệ tình cảm là tìm kiếm một cách cẩn thận bằng chứng, chứng tỏ bạn tình không chung thủy. Tuy nhiên, họ chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy mà không xem xét sự hợp lý của các bằng chứng liên quan.
Bệnh nhân sẽ liên tục kiểm tra điện thoại di động, máy tính cá nhân của đối tác. Sự mù quáng còn thể hiện ở ý nghĩ bạn đời đã thay đổi thói quen kể từ khi phản bội họ. Hành động ghen tuông dễ dẫn đến mất kiểm soát và gây hại đến những người bên cạnh.
Người mắc bệnh hoang tưởng ghen tuông thường:
- Bốc đồng và có hành vi bạo lực.
- Kiểm soát, theo dõi, tra hỏi sinh hoạt và các mối quan hệ của bạn đời.
- Tưởng tượng ra các hành động phản bội.
- Không có khả năng kiểm soát lời nói và hành động khi ghen tuông
Sự nguy hiểm của hội chứng này là theo thời gian, người bệnh không chỉ ghen tuông với bạn tình mà còn có lòng đố kỵ với tất cả những người xung quanh.
Điều trị bệnh cần có sự theo dõi và tiến hành của các bác sĩ tâm thần kết hợp với người thân xung quanh. Lúc này người bệnh sẽ dần dần kiểm soát được những cơn ghen, đồng thời có được sự thanh thản trong tâm hồn. Việc làm này đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh và sự kiên nhẫn của người bạn đời.
Xem thêm video được quan tâm
Video giới thiệu ngày nấm toàn cầu