Bí ẩn cơ chế lan truyền virus ở loài dơi
Việc hiểu rõ loài vật mang virus đến từ đâu có thể tạo ra một tác động thiết thực về cách chúng ta quản lý dịch bệnh trong tương lai. Một nhóm nhà khoa học từ Viện Vi trùng học Vũ Hán có sự kết hợp của nhà vi trùng học kiêm Chủ tịch của Liên minh sức khỏe sinh thái (EcoHealth Alliance) Peter Daszak đã mạo hiểm chui vào thạch động đá vôi để thu thập các mẫu phân và máu từ hàng ngàn con dơi. Ông Daszak cho hay: Lúc đó, chúng tôi đang tìm kiếm các virus liên quan đến SARS.
Nhóm của ông Daszak đã tìm thấy khoảng 500 virus của dơi tại Trung Quốc trong suốt 16 năm qua (2003-2019). Nhưng việc thiếu kinh phí đã khiến họ không thể điều tra xa hơn về chủng virus mà ngày nay được tin là căn nguyên gây dịch COVID-19. Mặc dù chưa khẳng định được việc nghiên cứu xa hơn về chủng này có thể phòng ngừa hay giảm thiểu tối đa tác động của đợt bùng phát hiện nay, nhưng nó chắc chắn cho phép họ nhanh chóng truy lùng dấu vết của virus mới.
Tê tê - loài thú ăn đêm đang bị cho là có dính líu tới COVID-19 gây dịch bệnh ở người. Ảnh nguồn: National Geographic
Theo một công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì có 3 trong số 4 dịch bệnh đang nổi ở người là bị lây nhiễm từ động vật hoang dã hoặc gia súc. Do vậy, khi COVID -19 xuất hiện, người ta nghĩ ngay đến nguồn gốc từ động vật. Mặc dù dơi đã tiến hóa để dung nạp virus và được tin rằng nó chứa các virus Corona nhưng chúng không có khả năng truyền trực tiếp SARS-CoV-2 sang người.
Vật chủ trung gian nào lây nhiễm Coronavirus?
Các nhà nghiên cứu cần tìm ra chính xác những loài động vật nào có mặt trong chợ hải sản và chúng đến từ đâu. 33 trong số 585 mẫu vật thu thập từ bề mặt và trong các lồng đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhưng sau khi chợ hải sản ở Vũ Hán bị đóng cửa và khử trùng thì xuất hiện ca bệnh nhiễm COVID-19 mà không tiếp xúc với chợ hải sản. Từ đây có giả thuyết rằng họ có thể nhiễm từ các loài động vật hoặc người bệnh ở đâu đó.
Mặt khác, trình tự bộ gene giữa SARS-CoV-2 và “RaTG13” (Coronavirus dơi được thu thập ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013) đã cho thấy rằng virus ban đầu đã ẩn náu một thời gian dài ở loài dơi mà không gây bệnh cho chúng. Coronavirus hiếm khi nhảy trực tiếp từ dơi sang người, vì thế, các nhà vi trùng học đang tìm kiếm cách để giải mã cho một câu đố hóc búa: Loài vật nào đóng vai trò vật chủ trung gian giữa dơi và con người? Cầy hương được cho là vật chủ trung gian của bệnh SARS. Lạc đà là vật chủ trung gian của MERS. Trong quá trình tìm kiếm thủ phạm gây ra COVID-19, loài rắn cũng được nhắc đến, nhưng giả thuyết này bị loại bỏ bởi hiện tại không có bất kỳ bằng chứng nào về Coronavirus lây nhiễm từ động vật ngoài thú có vú và chim chóc với rắn. Ứng cử viên tiếp theo là tê tê. 2 nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Nam Hoa (SCAU) tuyên bố đã tìm thấy Coronavirus ở tê tê có tỷ lệ di truyền 99% phù hợp với SARS-CoV-2.
Bác sĩ ở Bệnh viện Hỏa Thần Sơn chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh nguồn: GMA Network.
Tuyên bố này được hậu thuẫn bởi một báo cáo sơ bộ công bố ngày 13/2/2020 từ các nhà nghiên cứu của Cao đẳng y khoa Baylor (Texas). Ông Ian Lipkin - một nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia (người đã hỗ trợ cho WHO và Trung Quốc trong đợt dịch SARS và hiện đang cố vấn cho ẢRập Xê-Út về dịch MERS) khẳng định: “Một khi những loài động vật này (dơi và tê tê) đặt gần nhau ngoài chợ thì cũng là lúc chúng trao đổi virus cho nhau. Khi virus di chuyển giữa 2 giống loài, chúng sẽ tự thích ứng và trở nên lây nhiễm cho người”. Nghiên cứu của ông Lipkin cho thấy virus Mers đang lưu hành ở lạc đà và lây nhiễm cho người trong ít nhất 2 thập kỷ mà không bị chú ý hay chẩn đoán nó. Nhưng các báo cáo về tê tê như là một nguồn bùng phát dịch COVID-19 vẫn chưa được kết luận.