Nguyên nhân gây bệnh chàm
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm đến nay vẫn chưa rõ nhưng các yếu tố có thể gây phát sinh bệnh bao gồm: Phản ứng của hệ thống miễn dịch với dị nguyên gây dị ứng. Các vấn đề khiếm khuyết trong cấu tạo hàng rào bảo vệ da khiến độ ẩm thoát ra ngoài và vi trùng xâm nhập. Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh dị ứng hoặc hen suyễn khác.
Ngoài ra, thiếu hụt filaggrin (một loại protein tham gia cấu tạo hàng rào bảo vệ da) có thể dẫn đến da khô hơn, ngứa hơn.
Một số người gặp phải tình trạng phát ban ngứa do cơ thể phản ứng với những yếu tố như:
- Trang phục, khăn trải giường vải thô ráp như len, polyester,…;
- Cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh;
- Các sản phẩm gia dụng như xà phòng hoặc chất tẩy rửa;
- Lông động vật;
- Nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh;
- Căng thẳng;
- Đổ nhiều mồ hôi.
Các thể loại chàm thường gặp và đối tượng dễ mắc
Nhiều loại bệnh chàm có những biểu hiện khá giống nhau, chẳng hạn như viêm da dị ứng, chàm đồng xu, chàm phản ứng thứ phát, chàm bàn tay, chàm vi trùng, tổ đỉa... Bác sĩ có thể xác định loại chàm mắc phải dựa trên loại ban phát và vị trí xuất hiện trên cơ thể, bao gồm:
1. Chàm cơ địa
Chàm cơ địa là bệnh ngứa da mạn tính, xuất hiện từ khi còn nhỏ, có những đợt lui bệnh hay bùng phát bệnh kéo dài suốt cuộc đời. Bệnh là kết quả của sự tương tác môi trường, miễn dịch, gen và yếu tố sử dụng thuốc.
- Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp ở trẻ 2-3 tháng tuổi. Sang thương da lúc đầu đỏ, ngứa, sau đó xuất hiện mụn nước li ti tập trung thành cụm trên nền da đỏ. Mụn nước vỡ ra chảy nước, thương tổn da lúc này tấy đỏ, rất dễ nhiễm trùng. Dịch chảy ra bắt đầu khô dần, đóng vảy vàng nhạt, nếu có nhiễm trùng thì màu nâu.
Vị trí chàm thường gặp là má, trán, cằm, có thể lan ra tay, chân, bụng, có tính chất đối xứng… tình trạng này khiến trẻ ngứa nhiều.
- Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2-12 tuổi hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2-5. Sang thương da cơ bản là sẩn gồ cao hơn mặt da, nhanh chóng tập trung lại tạo thành mảng, và tiến triển thành mảng da dày khi cào gãi.
Vị trí chàm thường gặp là mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt. Thương tổn ở 2 bên hay đối xứng và tình trạng khiến trẻ rất ngứa.
- Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn: Sang thương da cơ bản là sẩn rải rác hay tập trung thành mảng, đôi khi có mụn nước, vết xước. Vị trí chàm thường gặp là nếp gấp khiến người bệnh rất ngứa.
2. Chàm nứt nẻ
Sang thương da cơ bản là da khô, vảy, da bị viêm, xuất hiện những đường nứt nông trên da. Vị trí chàm thường gặp ở bất kỳ vị trí nào, nhưng tập trung nhiều ở vùng trước bên của cẳng chân khiến bệnh nhân đau nhiều hơn ngứa.
3. Chàm đồng tiền
Sang thương da cơ bản là mảng đỏ da, hình tròn hay oval, đường kính 1-5 cm. Sang thương da có thể ngứa, tạo thói quen cào gãi. Mảng đỏ có thể trở nên dày và xuất hiện mụn nước trên bề mặt. Vị trí chàm thường gặp ở mặt duỗi của chi (mặt trước cẳng chân, tay, mu bàn chân bàn tay).
4. Chàm ứ đọng
Thường đi kèm với các dấu hiệu tăng áp lực tĩnh mạch như giãn tĩnh mạch, phù mạn tính, loét tĩnh mạch, tích tụ hemosiderin, viêm mô mỡ xơ hóa. Vị trí chàm thường gặp chi dưới.
5. Chàm tiết bã
Liên quan đến sự hoạt động quá mức của tuyến bã, bất thường chất bã. Xuất độ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh (đỉnh cao ở tuổi 18 -40) và ở trẻ con. Ở trẻ dưới một tuổi xuất hiện dưới dạng "cứt trâu". Chàm tiết bã thường xấu đi vào mùa đông ở các xứ lạnh.
- Chàm tiết bã ở trẻ
Xuất hiện lúc trẻ còn rất nhỏ, thường một tuần sau sinh và có thể kéo dài vài tháng sau đó. Đầu tiên trên đầu như một phát ban vẩy màu vàng dày "cứt trâu" hay "vẩy nôi". Sau đó có thể xuất hiện ở vùng sau tai, cổ, nách, háng, vùng quấn tã, mặt và thân mình.
- Chàm tiết bã ở người lớn
Chàm da mỡ có khuynh hướng trải rộng ra khỏi mí tóc đến mặt tạo "Vòng hoa tiết bã", có thể lan đến nếp sau tai. Thương tổn điển hình là các sẩn có vảy mịn. Các đường nứt có thể phát triển trên các hõm giữa tai và da đầu. Khi mặt bị tổn thương viêm mí mắt là thông thường, thường có tróc vảy trên hồng ban ở mí mắt, nếp mũi môi và vùng râu.
- Chàm tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là phản ứng của cơ thể với các tác nhân bên ngoài. Viêm da tiếp xúc có thể phân thành những loại sau: viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Tổn thương cơ bản là da đỏ xung huyết, hơi nề, trên bề mặt có mụn nước, xuất hiện ở vùng tiếp xúc, có khi in rõ hình vật tiếp xúc (hình quai dép, dây đồng hồ, kính đeo mắt...) ,có thể có hình thái mãn tính khô dày cộm có vảy.
Tóm lại: Mặc dù chàm là bệnh không lây nhưng nó có khả năng di truyền nên nếu cha hoặc mẹ đã từng bị chàm thì cần chú ý đến con cái, nhất là trẻ từ sơ sinh đến khoảng 15 tuổi vì các nghiên cứu cho thấy ở khoảng tuổi này, bệnh chàm do di truyền thường hay xuất hiện.
Biểu hiện của bệnh chàm không giống nhau cho mỗi người. Không phải lúc nào các đợt bùng phát xảy ra trong cùng một khu vực. Ngứa là triệu chứng chính của bệnh chàm, trước khi phát ban. Các biểu hiện khác của bệnh chàm có thể bao gồm da đỏ, khô, nứt và dày. Chàm có thể xuất hiện trên bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.