LTS: Trên số báo 111 (ra ngày 13/7/2018) báo SK&ĐS đã đăng tải về những bệnh lý tiềm ẩn “giấu kín” trong các hang động nguy hiểm. Trên số báo này, chúng tôi tiếp tục phản ánh về 4 loại bệnh lý khác dễ mắc phải trong hang động cùng các nguy cơ rủi ro khác qua bài viết của PGS.TS. Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E.
Nhiễm xoắn trùng Leptospirosis
Đây là bệnh của súc vật hoang dại và gia súc lan truyền cho người, có đặc điểm lâm sàng đa dạng, biểu hiện tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan, chủ yếu là gan, thận, màng não.
Leptospira là một loại xoắn trùng, có nguồn lây bệnh từ tất cả các loài động vật có vú, chim, dơi trong tự nhiên. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh do tiếp xúc với máu, nước tiểu, mô của thú vật mắc bệnh hoặc với môi trường bị nhiễm Leptospira. Rất hiếm có sự lây truyền từ người sang người. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm nhưng thường gặp vào mùa mưa. Đối tượng có nguy cơ mắc cao là những người làm nghề nông, nhân viên thú y, những người đi du lịch, thám hiểm các hang động, nơi có nhiều thú hoang như khỉ, chuột, dơi ở những nơi có nguồn gây bệnh.
Sau 7-12 ngày ủ bệnh, các triệu chứng xuất hiện điển hình như: sốt cao liên tục 39-400C, rét run, mệt nhiều, li bì, mê sảng, đau đầu và đặc biệt là đau cơ toàn thân, sung huyết, phù nề kết mạc, phát ban, ho, đau ngực, khạc đờm máu, suy hô hấp, vàng da giống màu lựu chín, gan lách to, suy thận, hội chứng màng não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dưới da, xuất huyết não, tử ban, viêm thần kinh thị giác, viêm tủy, viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi...
Chẩn đoán Leptospirosis thông qua các dấu hiệu lâm sàng (hội chứng gan thận, đau cơ), soi tìm Leptospira dưới kính hiển vi nền đen hoặc làm huyết thanh chẩn đoán.
Về điều trị: kháng sinh thường dùng là penicilline G, ampicillin, tetracycline kết hợp vơi các biện pháp hỗ trợ như bù nước, điện giải, chống suy gan thận, chống sốc.
Xoắn khuẩn Leptospira gây bệnh vàng da.
Sốt xuất huyết do virut Marburg
Virut Marburg (MVD) được đặt tên theo thành phố Marburg của Đức, vì đó là nơi virut lần đầu xuất hiện và đươc phân lập vào năm 1967. Virut này thuộc họ Filoviridae, được coi là một trong những mầm mống gây bệnh nguy hiểm nhất ở thời điểm hiện tại, lây nhiễm vào người qua một số động vật như khỉ, dơi... và cũng có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc với các chất tiết như nước bọt, phân, nước mắt, máu, chất nôn của người bị bệnh.
Sau khi nhiễm virut từ 5-10 ngày, bệnh bộc phát với các biểu hiện như sốt, gai rét, đau đầu, đau cơ (hội chứng nhiễm virut không đặc hiệu). Tiếp theo là thời kỳ toàn phát: nổi ban ở lưng, ngực, bụng, nôn mửa, đau họng, đau bụng, tiêu chảy và nặng hơn là suy các cơ quan như gan, thận, tụy, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi. Theo thống kê, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 90% với mức nguy hiểm tương đương với virut Ebola. Virut Marburg gây nhiều biến chứng như viêm võng mạc, viêm tinh hoàn buồng trứng, viêm gan, viêm cơ tim, viêm tủy sống, viêm não, viêm màng não... Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là nhân viên thú y, người đi du lịch tiếp xúc với khỉ, dơi đã nhiễm bệnh hoặc người làm công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm virut Marburg. Do các triệu chứng giống như nhiễm virut sốt xuất huyết hoặc Ebola nên chẩn đoán bệnh chủ yếu thông qua các test ELISA hoặc phản ứng khuyếch đại chuỗi gene (polymerase chain reaction-PCR) để xác định virut gây bệnh.
Điều trị sốt xuất huyết Marburg bao gồm các biện pháp như thở ôxy, truyền dịch, truyền máu, sửa chữa rối loạn thăng bằng kiềm toan và duy trì, bảo vệ chức năng các tạng quan trọng như tim, thận, phổi, gan... Do chưa có điều trị đặc hiệu nên dự phòng lây nhiễm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế những hậu quả xấu do virut Marburg gây ra.
Bệnh sốt hang (cave fever)
Còn được gọi là sốt tái diễn do bọ đốt. Nguyên nhân gây bệnh là loại xoắn khuẩn có tên là Borrelia spirochete. Xoắn khuẩn này tồn tại ở những vùng đất ẩm, bụi cây hoang dại, lây nhiễm qua những loài gặm nhấm sống trong các hang động như chuột, sóc, thỏ… Loài bọ đốt hút máu những con vật này bị nhiễm Borrelia spirochete và lây truyền sang người qua vết đốt. Bệnh phổ biến ở người sống trong khu vực hoang dã, khách du lịch tham quan và ở lâu trong rừng hoặc hang động.
Sau khi vào cơ thể, Borrelia spirochete gây tổn thương các vi mạch máu và từ đó gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn mửa, tổn thương thần kinh, tổn thương gan thận, viêm cơ tim... Bệnh có đặc điểm là có những cơn sốt tái diễn từ 4-14 ngày. Chẩn đoán bệnh sốt hang thường bị bỏ sót hoặc nhầm với các bệnh khác do triệu chứng không đặc hiệu cho nhiễm xoắn khuẩn Borrelia spirochete.
Các thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycine... đều có tác dụng tốt trong điều trị xoắn khuẩn Borrelia spirochete.
Bệnh Melioidosis
Bệnh Melioidosis, còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là một loại bệnh gây ra do nhiễm vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (hay Pseudomonas pseudomallei). Vi khuẩn này sống trong nước bẩn, bùn ở những nơi tù đọng. Người bị nhiễm bệnh Melioidosis do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với nguồn đất và nước bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ở ngoài da. Bệnh thường xảy ra khá phổ biến trong mùa mưa.
Burkholderia pseudomallei thường gây viêm phổi với các triệu chứng sốt, đau ngực, ho, khạc đờm, nghe phổi có rales. Bệnh còn có thể biểu hiện bằng các ổ nhiễm khuẩn ngoài da, viêm mô tế bào, viêm cơ. Bên cạnh đó, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei cũng gây nên tình trạng viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương, khớp, gây áp-xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm khuẩn huyết hoặc diễn biến mạn tính gây thương tổn tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt. Bệnh Melioidosis cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Điều trị bệnh Melioidosis bằng cách dùng thuốc kháng sinh như imipenem, penicillin, doxycycline, amoxicillin-clavulanic acid, ceftazidime, ticarcillin-clavulanic acid, ceftriaxone và aztreonam.
Các yếu tố nguy cơ khác khi sống trong hang động
Do đặc điểm của hang động nói chung là nằm sâu trong lòng núi, đi ngầm dưới đất hoặc thậm chí dưới nước, có thể thông thoáng hoặc không và thường là thiếu ánh sáng cũng như sự lưu thông của khí trời nên có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người như:
Lượng ôxy trong không khí. Ở độ cao ngang mực nước biển, ôxy chiếm khoảng 21% thành phần khí trời và lượng ôxy này đủ cung cấp cho mọi hoạt động bình thường của con người. Trong môi trường kín như hang động, lại ở những độ cao và thấp rất khác nhau, không có luồng khí lưu thông nên lượng ôxy trong không khí có thể thấp dưới 21% và lượng ôxy này sẽ giảm nhanh nếu như có đông người, lại sử dụng đèn đuốc, đốt lửa trong hang. Nếu ở trong một hang bị cô lập hẳn với bên ngoài do mưa lớn gây úng ngập, tắc chẳng hạn thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho người sống kẹt trong môi trường như vậy và chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị ngạt do thiếu ôxy.
Tăng các loại khí độc: Trong hang kín có thể là cái… túi chứa các loại khí độc tích tụ lâu ngày do cây cỏ mục nát, bùn lầy, mỏ than như khí Metan (CH4), khí CO, CO2. Trong hang động, thiếu ôxy và tăng thành phần các loại khí độc nói trên cũng có thể gây nguy hiểm cho những người tham quan hang động.
Độ ẩm cao, nhiệt độ thấp: Đây thực sự là một vấn đề nếu bạn không có sức khỏe tốt. Độ ẩm cao do hang có nhiều nước, nhất là tại các hang động trong quần thể núi đá vôi, nước mưa từ phía trên ngấm qua các khe đá nhỏ liên tục xuống hang có thể tạo độ ẩm lên tới 100%. Nhiệt độ thấp do hang động nằm sâu trong núi hoặc dưới đất sẽ ảnh hưởng không tốt tới thể lực của người sống trong đó.
Côn trùng: Hang động luôn là nơi cư trú lý tưởng của các loài bò sát và côn trùng có độc như rắn, rết, ong, bọ cạp, nhện độc. Sẽ rất nguy hiểm bởi trong hang luôn thiếu ánh sáng nên khó tránh bị các loại động vật này tấn công.
Rõ ràng, du lịch hang động hoàn toàn không phải không có nguy cơ như mọi người vẫn nghĩ. Vì vậy, trước khi tham quan, khám phá hang động, mọi người cần chú ý đến một số quy tắc an toàn như: Nên đi thành nhóm 3-4 người và có người thành thạo địa hình dẫn đường; Mang đủ thức ăn, nước uống, quần áo, trang thiết bị phòng hộ, an toàn (đèn pin, dao, dây thừng, bật lửa, bản đồ…); Mang một cơ số thuốc men và đồ y tế thiết yếu (bông băng, gạc), thuốc xua muỗi; Không mạo hiểm đi vào những khu vực không an toàn đã được cảnh báo; Nên đi vào mùa khô hoặc khi trời nắng đẹp; Chỉ đi sức khỏe đảm bảo... Nếu thấy bất cứ triệu chứng nào của các căn bệnh đã đề cập ở trên sau khi đi tham quan hang động, nên đến cơ sở y tế để khám, xác định chẩn đoán và điều trị sớm.