Các kỹ năng ứng phó đúng cách khi có động đất

25-03-2024 16:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại thì vô cùng lớn. Do vậy người dân cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để ứng phó phù hợp.

Chuyên gia cảnh báo gì sau trận động đất ở Hà Nội sáng nay?Chuyên gia cảnh báo gì sau trận động đất ở Hà Nội sáng nay?

SKĐS - TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy, các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động nên cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng.

Những vùng hay xảy ra động đất ở Việt Nam

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại thì vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số thảm họa trận động đất đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác, nhưng theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa không phải là hiếm. Động đất và các dư chấn của các trận động đất đã gây ra sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất, những tiếng nổ lớn, kèm theo hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm hư hại một số công trình của nhà dân, đơn vị... Người dân hoang mang, lo lắng, xáo trộn cuộc sống, nhiều nơi người dân phải sơ tán ngủ tại ruộng, nương, không dám ngủ trong nhà. 

Các kỹ năng ứng phó đúng cách khi có động đất- Ảnh 2.

Trận động đất 4.0 độ richter sáng nay ở Hà Nội gây rung lắc nhiều khu vực.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất, thứ hai là khu vực Bắc Trung Bộ, thứ ba là khu vực Đông Bắc, thứ tư là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Đông Nam Bộ, thứ năm là khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất cả nước.

TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, sau các trận động đất xảy ra đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng về các kỹ năng nhận diện, ứng phó, tự bảo vệ bản thân. Nhận thức của người dân về động đất đã có những tiến bộ rõ nhờ các phương tiện thông tin phát triển, tuy nhiên những nguồn thông tin không chính thống đã gây ra nhiều hiểu lầm, hiểu sai các thông tin thông báo của cơ quan chuyên môn khiến cộng đồng càng thêm hoang mang.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra nếu bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng và tăng cường hiệu quả giáo dục về các biện pháp phòng, tránh rủi ro động đất cho cộng đồng. Trong đó, tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng, tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra là hết sức quan trọng.

Kỹ năng ứng phó với động đất

Theo thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong hai tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra tổng số 25 trận động đất nhỏ, có độ lớn từ 2,5 đến 4. Mới đây nhất là trận động đất vừa xảy ra sáng nay, 25/3, nhiều người dân ở một số khu vực thành phố Hà Nội cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc do dư chấn của trận động đất có độ lớn 4 vừa xảy ra tại huyện Mỹ Đức.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, có một số kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất cơ bản mà người dân cần nắm được. Theo đó, trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng… học cách bật, tắt ga, điện, nước.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Đặc biệt, không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ. 

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .

Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Việt Nam đã ban hành những tiêu chuẩn quy định về kháng chấn và tiêu chuẩn về động đất cũng như tổ chức diễn tập phòng chống động đất, sóng thần để chống thảm hoạ xảy ra. Hàng năm các cơ quan chính quyền phải rà soát, tổ chức diễn tập phòng chống động đất thường xuyên ở các nơi có nguy cơ cao. Chính phủ đã ban hành quy chế chống thảm họa động đất, trong đó có các kịch bản phù hợp.

Theo phân loại của các trận động đất, những trận động đất có độ lớn M=4-5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M=5-6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M=6-7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M=7-8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M=8-9 là những trận động đất hủy diệt.

Sáng nay Hà Nội động đất 4 độ richter, nhiều nơi rung lắcSáng nay Hà Nội động đất 4 độ richter, nhiều nơi rung lắc

SKĐS - Trận động đất có độ lớn 4.0 độ richter vừa xảy ra ở thành phố Hà Nội sáng nay (25/3) gây rung lắc nhẹ, người dân trong khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người dân Hà Nội cảm nhận rung lắc sau trận động đất 4.0 độ richter tại huyện Mỹ Đức | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn