Các kiểu lừa đảo mới từ sim điện thoại

02-04-2015 23:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình trạng mạo danh để chiếm đoạt sim điện thoại ở ta đã và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, nếu như việc cướp sim trước đây chủ yếu là nhằm vào sim đẹp

Tình trạng mạo danh để chiếm đoạt sim điện thoại ở ta đã và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, nếu như việc cướp sim trước đây chủ yếu là nhằm vào sim đẹp, có giá trị cao để bán lại kiếm lời thì thời gian gần đây đã xuất hiện những thủ đoạn tinh vi hơn. Không chỉ dừng lại ở việc cướp sim mà các đối tượng còn dùng chính thuê bao đó thực hiện xâm nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Sim số đẹp là một trong những mục tiêu các đối tượng phạm tội hướng tới để chiếm đoạt.

Tinh vi cướp sim rồi đoạt tiền

Liên quan đến thủ đoạn cướp sim số đẹp rồi chiếm đoạt tiền, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, các lực lượng chức năng của cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Đinh Xuân Lợi (32 tuổi, trú tại phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa) vì đã có hành vi mạo danh người khác, chiếm đoạt sim điện thoại đang sử dụng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng thực hiện các thanh toán online khiến cho khổ chủ bị mất hàng chục triệu đồng trong một thời gian ngắn. Đầu tiên là trường hợp của anh Đặng Thanh Hải (TP.HCM) - chủ nhân số thuê bao trực thuộc tổng đài Viettel. Anh Hải sau khi phát hiện sim trên máy điện thoại của mình bị khóa và không thể sử dụng được đã liên hệ với tổng đài và được biết, có người đã thông báo mất sim và xin cấp lại số thuê bao mà anh đang sử dụng. Đây cũng là số điện thoại được anh Hải đăng ký để sử dụng các giao dịch SMS Banking (Dịch vụ Ngân hàng được thực hiện thông qua tin nhắn điện thoại di động). Kiểm tra tài khoản qua ATM, anh Hải phát hiện mình đã bị mất cắp 30 triệu đồng. Tương tự như vậy là trường hợp của anh Vũ Minh Nhật (Thanh Xuân - Hà Nội) - một chủ thuê bao của tổng đài Mobifone cũng bị người khác mạo danh cướp sim đang sử dụng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán online mất 74,8 triệu đồng.

Qua điều tra, lực lượng chức năng nhận định các nạn nhân đều bị chiếm đoạt sim với cùng một cách thức tại khu vực TP. Thanh Hóa và cả 2 nạn nhân đều sử dụng dịch vụ xác thực OTP (One time password - mật khẩu dùng một lần, được gửi qua số điện thoại di động của khách hàng) của chung một ngân hàng. Mỗi khi mua hàng trên các trang web thanh toán trực tuyến, khách hàng chỉ cần nhập các thông tin về ngân hàng, tên chủ thẻ và mã số thẻ. Hệ thống sau đó sẽ tự động gửi mã OTP về số điện thoại tương ứng đã đăng ký dịch vụ SMS Banking. Khách hàng sau khi nhập mã OTP giao dịch sẽ được hoàn tất. Lợi dụng điều này, trong trường hợp anh Nhật, Lợi biết được vợ anh Nhật bán hàng thời trang nên Lợi giả vờ đặt mua, lấy được số tài khoản của nạn nhân. Tiếp đó, Lợi dùng nhiều số điện thoại khác nhau gọi đến số điện thoại của anh Nhật và tạo cớ để nạn nhân gọi lại để lấy số gọi đến, gọi đi để chiếm đoạt sim điện thoại của nạn nhân. Cũng như trường hợp của anh Nhật, Lợi cũng có được thông tin tài khoản ngân hàng của anh Hải qua việc giao dịch mua hàng trực tuyến. Tiếp đó, Lợi xin số điện thoại của anh để liên lạc, cuối cùng, Lợi dùng CMND của một khách hàng để sửa lại theo thông tin của anh Hải rồi chiếm đoạt sim của anh.

Nhận diện các chiêu chiếm đoạt sim

Anh Nguyễn Hiệp - chủ một cửa hàng điện thoại di động kiêm bán sim số đẹp trên phố Kim Mã, Hà Nội chia sẻ, hiện bọn tội phạm có khá nhiều thủ đoạn để đánh cắp sim của người khác thành sim của mình. Trong đó, thủ đoạn cũ nhất là giả làm nhân viên chăm sóc khách hàng để lấy thông tin các số điện thoại đã giao dịch nhằm đăng ký chính chủ rồi thừa cơ đoạt luôn sim. Thủ đoạn mà ít người để ý là đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau để nháy máy hoặc nhắn tin vào chủ một thuê bao. Từ danh sách đó, chúng sẽ đường hoàng đến các trung tâm dịch vụ khách hàng gần nhất để khai báo mất sim, xin cấp lại sim mới. Đặc biệt, có trường hợp, các đối tượng còn ngang nhiên tự nhận là anh em với người sử dụng sim điện thoại, tới chi nhánh nhà mạng xuất trình giấy chứng tử do chính quyền nơi cư trú cấp. Bằng các chiêu bài trên, nghiễm nhiên, chúng trở thành chủ nhân hợp pháp của thuê bao này.

Liên quan đến hành vi phạm tội trên, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra các vụ cướp sim để đoạt tiền mà số tiền bị “rút ruột” trong tài khoản ngân hàng là không hề nhỏ. Sở dĩ kẻ gian có thể thực hiện được hành vi phạm tội của mình là do đã lợi dụng được sơ hở từ chính cá nhân người sử dụng cũng như những kẽ hở của ngân hàng và các nhà mạng. Về sơ hở của người sử dụng, theo phân tích của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có thể họ đã sơ suất để lộ các thông tin cá nhân. Bởi ngoài việc có được số điện thoại thì để chiếm đoạt được tiền, kẻ gian còn cần phải có số thẻ (dãy số in trên thẻ) và ngày hiệu lực (hoặc ngày cấp) thẻ sau đó mới có thể nhận mật khẩu OTP qua số điện thoại di động. Việc bị lộ các thông tin cá nhân này hoàn toàn có thể là do vô tình (thông qua các hoạt động giao dịch trực tuyến hoặc có thể là do bị làm mất thẻ ATM…) hoặc đã bị các hacker lấy cắp thông tin thẻ.

Trao đổi về thực trạng đáng lo ngại này, anh Vũ Đình Tùng - một chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, để không bị mất sim cũng như các thông tin cá nhân khác, người dùng cần lưu ý, phải đăng ký chính xác thông tin thuê bao, đồng thời không chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng. Ngoài ra, cần hạn chế gọi lại cho những số điện thoại lạ (xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn) - điều khiến cho kẻ gian có thể tích đủ 5 số thuê bao mà người dùng đã gọi đi rồi khai báo với nhà mạng để yêu cầu làm lại sim. Ngoài ra, khi biết sim của mình bị tấn công, việc đầu tiên khách hàng cần làm là thông báo với ngân hàng nơi mở tài khoản đề nghị khóa giao dịch với số điện thoại đó rồi mới liên lạc với nhà mạng để đòi sim. Nếu như người sử dụng quá chú tâm vào việc đòi sim mà quên mất khóa tài khoản thì chỉ trong thời gian ngắn đó, kẻ gian đã có thể thực hiện các giao dịch trộm tiền từ tài khoản.

Tuấn Phong

 

 


Ý kiến của bạn