Nhiều nghiên cứu cho rằng, số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần trong vài chục năm qua và các gốc oxy hóa được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Ước tính khoảng 1 triệu nam giới bị hiếm muộn có liên quan đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở Việt Nam. ThS.BS. Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản (Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết hiếm muộn nam do bất thường tinh dịch đồ không lý do là nguyên nhân quan trọng nhất, chiếm trên 90% hiếm muộn nam giới và 30 - 40% nguyên nhân hiếm muộn nói chung. Ước tính, khoảng 5% số nam giới bất thường tinh dịch đồ. Mặc dù nguyên nhân đến nay vẫn không được biết rõ, khoảng 30 - 80% trường hợp được cho rằng do tác động tổn thương của các tác nhân oxy hóa. Các tác nhân này xảy ra khi các gốc oxy hóa (reactive oxygen species - ROS) tăng quá cao trong tinh dịch và làm tổn thương các tế bào tinh trùng.
Nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra sự gia tăng này: nhiệt độ môi trường sống, phóng xạ, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường sống, rượu, thuốc lá, căng thẳng tinh thần, béo phì, chế độ ăn không hợp lý, nhiễm trùng, miễn dịch và các bệnh mạn tính… Nhiều nghiên cứu cho rằng số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần trong vài chục năm qua và các gốc oxy hóa được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng. Tăng các gốc oxy hóa có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hóa (oxidative stress), tác động xấu lên tinh trùng và gây vô sinh nam. Điều đó làm giảm khả năng di động và thụ tinh của tinh trùng, gây tổn thương di truyền DNA của tinh trùng dẫn đến giảm khả năng thụ tinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi sau này.
Tinh trùng được xem là tế bào nhạy cảm nhất trong cơ thể. Các tổn thương di truyền DNA với nhiều mức độ khác nhau có thể dẫn đến bất thường thụ tinh, bất thường phát triển phôi, sảy thai, dị tật thai, suy giảm khả năng sinh sản của thế hệ sau… Các chất kháng oxy hóa (antioxidant) có thể tác động làm sạch và loại trừ tác động của tăng các gốc oxy hóa thông qua việc ức chế sự hình thành và đối kháng với các tác động của các gốc oxy hóa, nhằm cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, tăng khả năng có con của nam giới.
Mỗi năm tinh trùng giảm 1,9%
Một báo cáo đăng trên tạp chí Human Reproduction tháng 2/2013, tổng hợp số liệu từ 126 trung tâm và kéo dài từ 1989 - 2005, với hơn 26.000 tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng có vợ bị tắc vòi trứng, các nhà khoa học nhận thấy số lượng tinh trùng của nam giới giảm khoảng 1,9% mỗi năm, từ 73,6 triệu/ml (1989) xuống còn 49,9 triệu/ml (2005). Các tác giả ước tính mỗi năm tinh trùng người giảm 1,9%. Trước đó, nhiều báo cáo lớn trên thế giới cũng ghi nhận kết quả tương tự. Tại Việt Nam, năm 2002, BS. Hồ Mạnh Tường cho biết, các chuyên gia cũng có báo cáo kết quả 396 tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn tại các bệnh viện, dựa vào tiêu chuẩn Cẩm nang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - 1999). Kết quả cho thấy 78% dưới ngưỡng tham khảo.
Các gốc oxy hóa (ROS) tăng quá cao trong tinh dịch và làm tổn thương các tế bào tinh trùng
Gần đây, một loạt 3 báo cáo lớn về kết quả tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng hiếm muộn, theo tiêu chuẩn WHO 2010, cho thấy tỉ lệ bất thường lại nhiều hơn so với số liệu hơn 10 năm trước, mặc dù các ngưỡng tham khảo của WHO 2010 thấp hơn WHO 1999. Một khảo sát trên 4.060 tinh dịch đồ của các cặp hiếm muộn cho thấy 85,4% tinh dịch đồ thấp hơn tiêu chuẩn. Hai nghiên cứu khác tại hai bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương tổng kết gần 18.000 tinh dịch đồ cũng cho thấy 90,3 - 94,9% thấp hơn chuẩn. Qua đó ước tính khoảng 1 triệu nam giới bị hiếm muộn có liên quan đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, các nguyên nhân gây ROS như kể trên vô cùng phổ biến, và có thể nặng nề hơn các quốc gia phát triển khác. Đơn cử, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hợp chất, trong đó có nhiều chất là các gốc oxy hóa và các gốc tự do chứa nitơ. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá nhiều có thể dẫn đến tổn thương DNA tinh trùng, làm giảm khả năng di động và số lượng tinh trùng. Theo khảo sát, hơn nửa nam giới trưởng thành ở VN hút thuốc lá.
Tỉ lệ bất thường tinh trùng có khuynh hướng ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể khó xác định và không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia sinh sản cho rằng các loại antioxidant với các hiệu quả nhất định và chi phí điều trị phù hợp, đang trở thành điều trị phổ biến nhất hiện nay cho vô sinh nam do bất thường tinh trùng. Nhưng việc điều trị này phần lớn dựa vào kinh nghiệm, cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa ra một phác đồ chuẩn.
Vitamin C là antioxidant được sử dụng khá sớm và phổ biến trong nhiều nghiên cứu. Các y văn thế giới nhận xét vitamin C có thể giúp cải thiện nhiều chỉ số tinh trùng khác nhau. Vitamin E đươc chứng minh là giảm nồng độ các gốc oxy hóa, cải thiện tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ có thai. Nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng vitamin E không có tác động nhiều. Kẽm cũng là một antioxidant làm giảm các gốc oxy hóa và tăng di động tinh trùng, nhưng chưa có nghiên cứu nào cho thấy kẽm làm tăng khả năng thụ thai.