Các giải pháp để công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hiệu quả cao

26-12-2021 19:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Để công tác DS - KHHGĐ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao và mang tính bền vững hơn đòi hỏi cần tiếp tục duy trì chương trình dân số và phát triển với mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, tiếp tục thực hiện giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên…

Nhiều cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh dịch COVID-19Nhiều cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh dịch COVID-19

SKĐS - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, các địa phương trong đó có tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động, cách làm hay đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Theo Báo cáo của Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong giai đoạn vừa qua công tác DS – KHHGĐ tỉnh với nỗ lực to lớn, vượt qua bao thăng trầm, thách thức để đạt được nhiều thành quả, được Tỉnh, Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào thành công của mục tiêu phát triển kinh tế xã hội…

Các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch được giao: Tỷ suất sinh từ 15,06‰ năm 2016 giảm còn 14,25‰ năm 2020; Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số từ 1,1% năm 2016 giảm còn 1,08% năm 2020; Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai từ 70,5% năm 2016 tăng lên 72% năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh (bé trai/100 bé gái) năm 2016 là 113,1/100 đến năm 2020 là 109,5/100.

Công tác lãnh đạo, tổ chức bộ máy tiếp tục được tăng cường và hoàn thiện. Truyền thông giáo dục thay đổi hành vi tiếp tục được đẩy mạnh; hệ thống cung cấp, đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ngày càng phát triển và tốt hơn. Công tác nâng cao chất lượng thông tin, ứng dụng nghiên cứu và xã hội hoá, hoàn thiện chính sách DS-KHHGĐ được tăng cường, phát triển. Các mô hình về DS-KHHGĐ đã được triển khai và nhân rộng, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được chú trọng triển khai, công tác quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả chương trình đi vào nề nếp…

Các giải pháp để công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới - Ảnh 2.

Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lớp tập huấn về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Thùy Dung.

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nêu trên, nhưng công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Quy mô dân số lớn và còn tiếp tục gia tăng, chất lượng dân số chưa cao, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm nhưng còn chưa vững chắc, chênh lệch giữa các vùng miền; Mặt khác, tâm lý ưa thích con trai vẫn phổ biến trong cộng đồng.

Đây là xu hướng đáng lo ngại bởi việc chuyển đổi nhận thức của người dân là một trong những yếu tố quyết định tới kết quả chương trình KHHGĐ. Cơ cấu dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ người già tăng nhanh. Việc bố trí kinh phí chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm sau giảm hơn so với năm trước, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động truyền thông.

Nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Để công tác DS- KHHGĐ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao và mang tính bền vững hơn đòi hỏi cần tiếp tục duy trì chương trình dân số và phát triển với mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, tiếp tục thực hiện giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, quan tâm các hoạt động nâng cao chất lượng dân số và cơ cấu dân số. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông gắn liền với việc cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Phấn đấu đạt mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng của địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp như sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản, chính sách về DS -KHHGĐ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của địa phương và pháp luật quy định hiện hành.

Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo môi trường đồng thuận, ủng hộ và cam kết thực hiện của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng.

Các giải pháp để công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới - Ảnh 3.

Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách DS-KHHGĐ của địa phương phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình mới. Đồng thời, tích cực tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật dân số đảm bảo thực hiện dân số một cách toàn diện.

Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số: Phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ y tế tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Tổ chức triển khai, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình phù hợp đối với từng vùng, từng đối tượng.

Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số: Tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách địa phương và Trung ương nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản, các hoạt động của chương trình, chi cho các hoạt động theo quy định. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã phường cần đầu tư thêm ngân sách hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thiết thực cho công tác.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời quản lý chuyên môn thống nhất. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư. 

Tăng cường hợp tác quốc tế: Chủ động tham gia các hoạt động, hội thảo quốc tế về DS-SKSS nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền, quảng bá chính sách DS -SKSS của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng với cộng đồng quốc tế.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn