Thường xuyên vệ sinh, chăm sóc chó mèo
Trời nồm ẩm, mưa phùn là điều kiện tốt để cho các loại nấm, virus, vi khuẩn phát triển. Thú cưng dễ gặp các vấn đề về da như ghẻ, nấm, viêm da. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe chó mèo mà còn khiến cho bộ lông của chúng bị rụng. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các bệnh về da nếu mắc phải sẽ rất khó điều trị, hoặc phải điều trị trong thời gian dài. Bởi vậy, bạn cần lưu ý "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Để chăm sóc chó mèo vào mùa nồm ẩm, nếu bạn lựa chọn tắm cho bé, hãy sấy thật khô cả da và lông. Trong khi tắm, nên sử dụng các loại sữa tắm chuyên dụng để vừa khử khuẩn, loại bỏ mùi hôi vừa giúp bộ lông của chúng trở nên mềm mượt. Bạn cũng nên cắt tỉa lông gọn gàng.
Sau khi tắm cho chó mèo, bạn hãy dùng khăn lau khô hoặc sấy thật khô cả da và lông. Bên cạnh đó cần chải lông để tránh tình trạng lông bị bết dính và rối. Khi chải lông có thể sử dụng lược mau để loại bỏ ký sinh trùng trên lông nếu có.
Điều trị dứt điểm các bệnh lý về da
Trong mùa nồm ẩm, chó mèo rất dễ bị các bệnh lý về da và ký sinh trùng. Một số bệnh về da có thể kể đến như:
Viêm da, ngứa da
Các chủng nấm có thể khiến chó, mèo bị tình trạng viêm da như Trichophyton, Aspergillus, Candida, Microsporum,... Nấm xuất hiện có thể khiến thú cưng của bạn bị ngứa da, rụng lông, nổi mẩn hoặc có thể bị tổn thương ở lỗ tai, mắt. Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện bệnh và mua thuốc điều trị phù hợp cho chúng.
Bệnh ghẻ
Ghẻ cũng là một trong các bệnh về da thường gặp ở chó mèo vào mùa nồm ẩm. Khi bị ghẻ, thú cưng của bạn có thể bị ngứa, lở loét, rụng lông, khó chịu. Bệnh này cũng có thể lây sang người. Vì thế, bạn cần phòng bệnh ghẻ cho thú cưng vào mùa nồm ẩm bằng cách thường xuyên tắm rửa bằng xà bông chuyên dụng cho chúng. Đồng thời cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và chỗ nằm của thú cưng. Trường hợp phát hiện thấy cho mèo bị ghẻ, bạn cần nhanh chóng mua thuốc để điều trị dứt điểm như thuốc Benzyl Benzoate hoặc Sulfur.
Nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da ở chó mèo thường gây nên bởi các loại ký sinh trùng như ve, rận, bọ chét. Vào mùa nồm ẩm, các loại ký sinh trùng này phát triển càng mạnh. Chúng cư ngụ trên lông chó mèo, cắn và hút máu thú cưng. Điều này khiến thú cưng bị ngứa ngáy, cơ thể ốm yếu, giảm sức đề kháng. Do đó, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức để có thể chăm sóc chó mèo cẩn thận và thường xuyên để hạn chế tối đa bọ chét, ký sinh trùng.
Phát hiện và điều trị các bệnh lý nội tiết, di truyền
Chó mèo cũng có thể mắc một số bệnh liên quan đến nội tiết, di truyền như: hội chứng Cushing khiến lông không phát triển hoặc phát triển chậm, sự suy giảm miễn dịch, sự thiểu năng tuyến giáp khiến hormone bị mất cân bằng,.. Các dấu hiệu dễ nhận thấy là mèo sẽ mệt mỏi, ngủ nhiều, chán ăn bỏ bữa, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu thấy thú cưng có dấu hiệu bất thường, hãy đưa chúng đến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Một trong những lưu ý không thể thiếu khi chăm sóc chó mèo mùa nồm ẩm đó là cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho chúng. Khẩu phần ăn của thú cưng cần được cân bằng các loại dưỡng chất như chất đạm, chất béo, Vitamin A, Vitamin E,... Nếu bạn thường xuyên cho thú cưng ăn đồ hộp, thức ăn khô, thức ăn hạt,... thì cần chú ý đến hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm và có sự bổ sung phù hợp.
Với thông tin ở trên, bạn đã biết cách chăm sóc chó mèo mùa nồm ẩm như thế nào tốt nhất. Hy vọng thú cưng của bạn sẽ có sức khỏe tốt nhất vào mùa này với bộ lông mượt mà, khỏe mạnh.
PV