Ung thư phổi liên quan chặt chẽ đến hút thuốc lá thụ động và chủ động. Bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì không có triệu chứng nhận biết rõ rệt, đa số được phát hiện ở giai đoạn muộn nên rất khó điều trị.
TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, ung thư phổi chia theo loại tế bào:
1. Nhóm không tế bào nhỏ (Non-Small cell Lung Cancer) thường gặp trong 90% trường hợp. Gồm 3 loại
- Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma) chiếm 80%
- Ung thư biểu mô vảy (Squamous cell carcinoma) chiếm 5%
- Ung thư biểu mô tế bào lớn (Large cell carcinoma) chiếm 5%
2. Nhóm tế bào nhỏ (Small cell Lung Cancer) chiếm 10%
"Đừng bao giờ nghĩ là ung thư phổi phải luôn ở dạng đặc. Chúng có hình thái vô cùng đa dạng từ nang thành mỏng, hang thành dày, kính mờ, bán đặc, đặc"- BS Minh Đức nói.
Diễn tiến theo thời gian của ung thư phổi có thể phát triển từ từ:
- Nang thành nốt đặc
- Kính mờ thành nốt đặc
- Bán đặc thành đặc hoàn toàn
- Đặc thành đặc to hơn
Bệnh có rất nhiều thể:
- Thể đặc tua gai co kéo
- Thể đặc tròn nhẵn
- Thể đặc có viền Halo
- Thể đông đặc dạng viêm
- Thể nang, thể hang
- Thể sẹo xơ
Do đó, theo BS Minh Đức, các tổn thương dạng xơ sẹo, co kéo, dạng nang có nốt nhỏ, có chồi, nốt bán đặc, kính mờ trên các đối tượng hút thuốc lá lâu năm (từ 20 gói/năm cả chủ động lẫn thụ động) đều cần theo dõi và quản lý chặt chẽ với CT liều thấp mỗi 6-12 tháng. Nếu nốt có nguy cơ chuyển thành ác tính thì cần đánh giá lại sau 3 tháng.
Ung thư phổi sẽ cho di căn phổi đối bên, hạch rốn phổi, hạch trung thất, hạch dọc khí-phế quản, hạch thượng đòn, hạch nách, tuyến thượng thận, gan, não và xương đặc biệt là các đốt sống mức ngang hoặc gần khối ung thư nguyên phát.
Các giai đoạn ung thư phổi
Sau khi được chẩn đoán ung thư, người bệnh và gia đình thường quan tâm đến bệnh ung thư đang ở giai đoạn nào? Giai đoạn bệnh của ung thư phổi liên quan rất nhiều đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng sống còn của bệnh nhân. Ung thư phổi được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn đánh số càng cao thì cho thấy biểu hiện của bệnh đã tiến triển càng nặng, tiên lượng xấu hơn và thời gian sống còn của người bệnh ngắn lại.
Thường thì người ta phân giai đoạn ung thư dựa trên các thông tin:
- Kích thước và mức độ lan rộng của khối u chính (T): kích thước u bao nhiêu ? U đã xâm lấn đến các cấu trúc và cơ quan lân cận chưa? Người ta phân T làm: T1,T2,T3,T4 dựa vào kích thước của khối u.
- Sự lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận (N): ung thư có di căn đến các hạch bạch huyết lân cận chưa? được phân thành: N1,N2,N3 tùy thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư.
- Sự di căn đến các cơ quan xa (M): ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa như não, xương, gan, tuyến thượng thận chưa? Được chia làm: M0 (không tìm thấy ung thư di căn) và M1 (phát hiện ung thư di căn đến mô và các cơ quan ở xa).
- Giai đoạn I: chia làm giai đoạn IA (IA1, IA2, IA3), IB
- Giai đoạn II: IIA, IIB.
- Giai đoạn III: IIIA, IIIB, IIIC.
- Giai đoạn IV: IVA, IVB
Cần phát hiện sớm ung thư phổi
Thông thường ung thư phổi không có biểu hiện rõ rệt và dễ nhầm với các triệu chứng thông thường. Một số triệu chứng thường gặp của giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi dưới đây:
- Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn
- Thường xuyên thấy đau ngực
- Ho ra máu
- Khó thở, ngạt mũi, khàn giọng
- Viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại
- Phù nề vùng mặt và cổ
- Người bệnh mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân
- Luôn có cảm giác mệt mỏi.
Tóm lại: Ung thư phổi là loại thường gặp, ở giai đoạn đầu, ung thư phổi có thể không gây ra dấu hiệu nào hoặc một vài triệu chứng như ho khan kéo dài, ho có đờm lẫn máu, uống thuốc không hiệu quả.
Ở giai đoạn tiến triển hoặc ung thư di căn, người bệnh sẽ có các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ và vị trí di căn.
Thông thường ung thư phổi được phát hiện khi tầm soát bệnh hoặc tình cờ phát hiện khi thăm khám bệnh khác. Bên cạnh việc tầm soát bệnh lý định kỳ, chúng ta cũng nên nghĩ đến việc khám tầm soát ung thư phổi khi xuất hiện các dấu hiệu như: Ho kéo dài, đôi khi ho có đờm hoặc máu; Đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu hoặc ho; Khàn tiếng; Hụt hơi; Thở khò khè; Suy nhược, mệt mỏi; Chán ăn; Sụt cân…
Cách phòng ngừa ung thư phổi
Không có bất kỳ phương pháp phòng ngừa ung thư phổi tuyệt đối, nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu:
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, nên đeo khẩu trang thường xuyên nếu phải làm việc tại môi trường nhiều khói bụi.
- Xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ.
- Tập thể dục đều đặn.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để có thể phát hiện sớm những tổn thương ở phổi (nếu có), từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.