Tôi đã nhiều lần bàn về trí tuệ của trẻ em Việt Nam. Trong Cuộc thi Viết thư UPU năm ngoái, em Thu Trang ở Hải Dương đã đoạt Giải Nhất Quốc tế. Em ký thác vào một cháu bé đã chết ở bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ để nói về số phận của những người tị nạn. Bức thư của em đã làm 1.700 người tham dự lễ trao giải ứa lệ. Họ đã đứng bật dậy nghe em đọc. Bức thư chấn động thế giới, thành nỗi ám ảnh cho những ai đã từng đọc nó. Năm nay bé Thu Trang lại được Tổ chức UPU thế giới mời đi dự trại hè ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đấy là điều chưa có tiền lệ ở Tổ chức UPU. Có lẽ cũng vì bài viết rất đặc sắc của Thu Trang mà Tổ chức UPU năm nay có một đề thi rất hay: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc. Vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó?”.
Hơn một triệu em nhỏ, là học sinh các trường trung học cơ sở từ lớp 7 đến lớp 9 đã “xuống đường” giúp Tổng Thư ký Liên hợp quốc với rất nhiều phương án đặc sắc. Kết quả cụ thể, ta sẽ chờ Ban Tổ chức công bố. Trong bài viết này, tôi chỉ bàn về một đôi bài đã để lại ấn tượng rất mạnh đối với cá nhân tôi. Em Nguyễn Đỗ Huyền Vi, học sinh lớp 8, Trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng đã trình bày với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về kiến giải của mình.
Thưa ông! Ông nhậm chức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động: xung đột đẫm máu, khủng bố hoành hành, biến đổi khí hậu, sự thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới dưới thời Donald Trump - và cháu rất ủng hộ khi ông tuyên bố: “Đã đến lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình”. Ngày đầu nhậm chức, ông đã mong giải quyết vấn đề hòa bình và người tị nạn (UNHCR), ông đã buộc các nước giàu phải giúp đỡ các nước có người tị nạn. Cháu biết nỗ lực của ông là rất lớn, nhưng ông cũng hiểu đây là bài toán quá khó của toàn cầu. Bà Angela Markel, Thủ tướng Đức mở cửa biên giới đón người tị nạn đã bị lên án kịch liệt vì tạo ra những thách thức an ninh lớn cho Đức. Ông Obama tuyên bố sẽ nhận 10.000 người tị nạn cũng bị chỉ trích dữ dội vì kẻ khủng bố sẽ trà trộn vào làn sóng tị nạn này. Trái lại, ngôi làng Oberwil- Lieli, Thụy Sĩ giàu nhất châu Âu chấp nhận nộp phạt gần 300.000USD thay vì nhận 10 người tị nạn Syria cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ban lệnh cấm nhập cư vào Mỹ với hầu hết người tị nạn từ Syria và 6 nước khác của Trung Đông, châu Phi cũng bị phản đối gay gắt. Mỗi người đều có cái lý riêng nên cháu nghĩ dù ông và Đại hội đồng Liên hợp quốc có nỗ lực chừng nào cũng không thể giải quyết bài toán tị nạn theo hướng cũ này.
Do vậy, cháu xin được làm một cố vấn của ông, đưa ra một giải pháp vừa giải quyết bài toán người tị nạn, vừa rất nhân văn, vừa có lợi cho cả ba bên, và cháu nghĩ nó nằm trong khả năng của ông, xin ông dành ít phút lắng nghe cháu ông nhé.
Giải Nhất Cuộc thi Viết thư UPU năm 2016 thuộc về bức thư của em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Ý tưởng của cháu xuất phát từ việc tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris muốn mua một hòn đảo tặng cho dân di cư. Chính bức ảnh về cậu bé Aylan 3 tuổi nằm chết úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã thức tỉnh ông ta: “Tôi không thể ngồi yên và giả vờ như đó không phải chuyện của mình”. Ông sẽ đặt tên hòn đảo là Aylan, xây dựng bến tàu, nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước và tạo công việc cho họ. Ý tưởng này đã được Cơ quan UNHCR của ông đồng tình và hợp tác tiến hành. Theo cháu đây là một ý tưởng đầy tính nhân văn, là giải pháp tối ưu cho bài toán người tị nạn mà cả thế giới đang đối mặt. Với ý tưởng này, cháu nghĩ cả ba bên đều có lợi.
Bên thứ nhất: Hàng triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh, nghèo đói và bỏ mạng trên biển sẽ được nhận hai điều: sự sống, sự bình yên. Ông Sawiris khẳng định: “Khi mọi thứ đã được cải thiện, bất kỳ ai muốn trở về quê hương đều sẽ được toại nguyện. Những người ở lại sẽ được đối xử như con người, khác với tình cảnh hiện nay, họ bị đối xử như súc vật”.
Bên thứ hai: Các nước châu Âu và Mỹ, nơi mà người tị nạn đang đổ về mỗi ngày sẽ không phải đau đầu và tranh cãi về người tị nạn, không nhận thì vô nhân đạo, mà nhận thì gặp rắc rối về an ninh.
Bên thứ ba: Người mua đảo cho người tị nạn như ông Sawiris, sẽ được lưu danh hậu thế, lại được sự trợ giúp của Liên hợp quốc, của rất nhiều Mạnh Thường Quân góp vốn vào. Ai góp vốn đều hưởng lợi vì Sawiris đã nói: “Bất kỳ ai đóng góp cũng sẽ nhận được cổ phần, trở thành một đối tác trên hòn đảo và trong dự án này. Bằng cách này, bất kỳ khoản tiền nào góp vào cũng sẽ không bị mất đi hoàn toàn vì tài sản (hòn đảo) vẫn luôn còn đó”. Sau khi hòn đảo hoàn thiện như một thành phố xinh đẹp thì lợi nhuận từ kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch quả là rất lớn cho người đầu tư về lâu dài.
Bên thứ tư là quốc gia bán đảo cho nhà đầu tư. Nếu họ ngần ngại khi phải tiếp nhận một đảo người tị nạn vào quốc gia mình thì có thể bán đứt, và hòn đảo có thể lập thành một quốc gia riêng có quyền tự chủ và độc lập.
Ông thấy ý tưởng này của cháu thế nào? Ông cứ viết thư cho cháu, mình sẽ trao đổi thêm cho thấu đáo ông nhé. Và việc cuối cùng của chúng ta là tìm đến những tỷ phú có tiềm năng, kêu gọi họ cùng bắt tay với Liên hợp quốc đầu tư vào dự án đầy nhân đạo này. Cháu tin ít nhất 5 tỷ phú tham gia, và thế là đủ cho số người tị nạn của cả thế giới.
Thưa ông, ông Sawiris chỉ xếp vị trí 557/1.810 tỷ phú thế giới với tài sản 3 tỷ USD mà ông ấy đã tự tin mua đảo tặng người tị nạn, nên cháu tin sẽ tìm được 5 người đồng thuận với dự án này. Những tỷ phú khác có thể góp vốn cổ phần. Cháu tư vấn giúp ông 5 tỷ phú này ông nhé:
1. Người giàu nhất thế giới: Ông Bill Gates, sở hữu 87,4 tỷ USD, có quỹ từ thiện lớn nhất thế giới: 42 tỷ USD.
2. Ông Warren Buffett, “Huyền thoại vùng Omaha”, sở hữu 60,7 tỷ USD.
3. Ông Mark Zuckerberg, CEO facebook, 31 tuổi, sở hữu 42,8 tỷ USD.
4. Anh em nhà Kack, mỗi người sở hữu 47 tỷ USD và đã hiến tặng 1,2 tỷ USD cho việc nghiên cứu về ung thư.
Mấy vị tỷ phú này đều cam kết dành 99% tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Vì vậy, cháu tin rằng tất cả họ đều hào hứng với dự án này của ông cháu mình.
5. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, là tỷ phú duy nhất của đất nước cháu, xếp thứ 1.011. Cháu sẽ giúp ông viết thư và thuyết phục ông Vượng nhé. Cháu tin chắc ông ấy sẽ trích một khoản lớn để đầu tư vào dự án này của ông cháu mình vì người Việt Nam cháu nổi tiếng với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” đó ông!
Thưa ông, cháu tin tưởng dự án vận động các tỷ phú mua đảo tặng người di cư của ông cháu mình sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người tị nạn, giải quyết được bài toán khó cho Liên hợp quốc, cho châu Âu và Mỹ.
Cuối cùng, cháu xin kết thúc bức thư của mình bằng lời của cô bé 7 tuổi ở Syria, Bana Al-Abed: “Ông Trump kính mến, cấm người tị nạn là rất tệ. Nếu điều đó là đúng, cháu có ý tưởng này cho ông: Hãy làm cho các quốc gia khác hòa bình”. Nếu hòa bình thì sẽ không có chiến tranh. Không có chiến tranh thì không có người tị nạn. Chúng ta yêu hòa bình và đang hành động vì hòa bình để không có người tị nạn rời bỏ quê hương, đúng không ông!
Cũng vấn đề này, em Cao Thanh Nga, học sinh lớp 7D, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Hải Dương lại nhìn ở góc độ khác. “Không phải tôi không chú ý đến lời kêu gọi của ngài trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc là “ưu tiên cho hòa bình” trong năm 2017. Tôi cũng thấm thía nỗi day dứt lớn của ngài khi nhậm chức trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu ở Syria chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nhưng biến đổi khí hậu còn lớn hơn cả chiến tranh. Bởi chiến tranh dẫu khốc liệt cũng chỉ trong từng khu vực. Còn biến đổi khí hậu tác động đến sự bình an của toàn trái đất.
Theo một nghiên cứu mới của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), thềm băng Larsen B ở Nam Cực đang trôi nhanh và phân mảnh nhiều hơn, có thể sẽ tan rã hoàn toàn vào năm 2020. Năm 1912, chỉ một tảng băng trôi đã khiến con tàu Titanic, niềm tự hào của ngành hàng hải Mỹ lúc bấy giờ chìm sâu xuống đáy đại dương. Vậy mà giờ đây, hàng triệu khối băng tan từ Nam Cực đang trôi phiêu du trên đại dương, thì hậu quả khủng khiếp sẽ không thể tính được. Nếu băng tan và nước biển dâng thì hàng loạt quốc gia ven biển với nền văn minh vĩ đại của loài người có thể bị nhấn chìm, biến mất. Nhiều quốc gia cứ mải mê chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí hạt nhân... tốn kém bao nhiêu tiền của, mà không biết rằng biến đổi khí hậu mới là kẻ thù nguy hiểm nhất. Chúng ta có thể thuyết phục, đàm phán với nhau để đi đến thống nhất trong mọi vấn đề lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột vũ trang. Nhưng chúng ta không thể nào đàm phán, thuyết phục được thiên nhiên, nếu chúng ta không thay đổi cách đối xử với thiên nhiên, thôi làm thiên nhiên tổn thương và nổi giận.
Đứng trước những viễn cảnh không tươi sáng ấy, chỉ có ngài, với cương vị là Tổng Thư ký Liên hợp quốc mới có thể can thiệp được. Ngài hãy huy động những bộ óc vĩ đại nhất thế giới, tập trung trí tuệ toàn thế giới cùng hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trước hết tìm ra giải pháp hoàn hảo thay thế nhiên liệu hóa thạch vì đây là nguồn gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học thay vì sáng chế vũ khí giết người, hãy tập trung sáng chế loại nhà thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm mức phát tán khí thải. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu hơn về biến đổi khí hậu, giảm tỷ lệ sinh đẻ, tiết kiệm điện, không xả rác bừa bãi... giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên.
Khi thảm họa thiên nhiên không còn rình rập, con người sẽ được yên ổn. Hòa bình và hạnh phúc chỉ được xây dựng trên một hành tinh xanh tươi chứ không thể xây dựng trong sóng thần, núi lửa, bão tố, hạn hán, lũ lụt hay động đất kinh hoàng”.
Trí tuệ trẻ em chúng ta đấy. Có lẽ chúng ta cũng nên tham khảo Tổ chức quốc tế UPU, tạo điều kiện cho các em làm cố vấn, giúp chúng ta xử lý tệ tham nhũng, rồi nạn ách tắc giao thông. Biết đâu, với cái nhìn vô tư, trong sáng, không vụ lợi, các em lại chẳng tìm ra được những giải pháp tốt nhất, mà chúng ta cứ loay hoay mãi vẫn không thoát ra được. Đừng tưởng trẻ em chẳng biết gì. Chúng không ngớ ngẩn như chúng ta lầm tưởng...