Gần 40 điểm ùn tắc giao thông tại Hà Nội
Theo Sở GTVT TP Hà Nội, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại từ năm 2022). Trong số này có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện.
Từ kết quả khảo sát, Sở GTVT đã phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Trong năm 2023, thành phố đã giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc và 7 "điểm đen" tai nạn giao thông.
Theo ghi nhận của PV Sức khỏe & Đời sống, càng về cuối tháng 12, giao thông trên nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội càng thêm ùn tắc. Nhất là tại các tuyến đường như: Nguyễn Trãi (đoạn từ đối diện Trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), Nguyễn Xiển (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đến nút giao Đại lộ Chu Văn An), Trần Duy Hưng; đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh...
Sở GTVT Hà Nội nhận định, vào những ngày cuối năm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm như Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm,... phải rào chắn một phần đường, hè phố. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đã và đang phối hợp với các đơn vị liên ngành thực hiện các giải pháp như cải tạo hạ tầng, lắp đặt bổ sung và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông ở một số điểm đen ùn tắc, đồng thời khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trong đô thị, trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đi lại
Việc hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt áp lực lưu lượng phương tiện giao thông, giảm tải ùn tắc trong khu vực nội thành Hà Nội trong năm 2024.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân dài 3,7km (thuộc dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường An Dương - Thanh Niên giai đoạn 2), có tổng mức đầu tư 815 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện từ tháng 6/2020, dự kiến hoàn thành năm 2021, song do vướng các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nên công trình đến nay vẫn chưa xong và đã trải qua 4 lần điều chỉnh thời hạn.
Sau 4 tháng tạm ngưng để phòng chống lũ, dự án đã thi công bắt đầu trở lại từ đầu tháng 11, theo tiến độ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, thành phố đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết sẽ khắc phục khó khăn, đặc biệt khi giá vật tư đang tăng rất cao để quyết tâm triển khai thực hiện theo tiến độ rút ngắn.
Hiện nay, dự án đang được triển khai thi công ba ca liên tục. Chủ đầu tư cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ hoàn thành khoảng 1km (gồm 300m từ khách sạn Thắng Lợi đến đường Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân).
Công trình hoàn thành kỳ vọng khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nút giao An Dương - đường Thanh Niên. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa quận Ba Đình với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thông qua tuyến đường cầu Nhật Tân và kết nối khu vực ngoài đê vào nội đô qua cửa khẩu An Dương.
Cầu vượt thép Mai Dịch
Dự án xây dựng hai đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được triển khai trên chiều dài khoảng 700m. Điểm đầu công trình nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Km19+000), điểm cuối nằm trên đường Phạm Hùng (Km19+700, theo lý trình đường Vành đai 3).
Dự án được khởi công ngày 14/2. Sau ngày hợp long hồi đầu tháng 12, nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục và có kế hoạch thi công và hoàn thành trong năm 2023.
Tuy nhiên, do vướng mặt bằng và các thủ tục về đầu tư nên đến tháng 5/2023 dự án mới có thể triển khai ở hiện trường. Vì vậy, tiến độ hoàn thành công trình này hiện dự kiến vào quý I/2024.
Theo phương án được phê duyệt, mỗi bên cầu vượt Mai Dịch sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75m gồm một làn xe cơ giới (3,5m) và một làn xe hỗn hợp (3m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa.
Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bêtông cốt thép liên hợp, tĩnh không đường dưới cầu 4,75m, tĩnh không trên cầu là 4,75m.
Tổng mức đầu tư công trình là hơn 342 tỉ đồng, sử dụng vốn dư của dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3.
Dự án hoàn thiện kỳ vọng sẽ tăng năng lực giao thông qua nút giao Mai Dịch, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, bảo đảm thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.
Xem thêm video được quan tâm:
Từ 1/1/2025, mua bán nhà trên giấy đặt cọc tối đa 5% |SKĐS