Các dự án chậm triển khai tại Ninh Bình: Các cụ “rùa” đang nằm “ôm” đất

15-09-2008 3:23 PM | Thời sự

Từ năm 2001 đến tháng 6 năm 2008, Ninh Bình đã có 272 dự án được chấp thuận đầu tư. Đa số các dự án sau khi được chấp thuận, chủ đầu tư tích cực triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.

Từ năm 2001 đến tháng 6 năm 2008, Ninh Bình đã có 272 dự án được chấp thuận đầu tư. Đa số các dự án sau khi được chấp thuận, chủ đầu tư tích cực triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Nhưng điều đáng nói là nhiều dự án khi chủ đầu tư nhận đất xong, chỉ dựng tường bao, san lấp mặt bằng,... không làm những hạng mục chính theo dự án được chấp thuận, một số chủ đầu tư không tích cực triển khai, thiếu vốn, có tư tưởng kéo dài thời gian thực hiện dự án, "ôm" đất, không quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi các dự án được chấp thuận, đa số chủ đầu tư đã tích cực triển khai xây dựng, đảm bảo hoàn thành theo đúng chương trình đã ký kết và đi vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên hiện có đến 19 dự án với tổng diện tích 297,66 ha, chiếm 7% tổng dự án được chấp thuận, không đảm bảo đúng tiến độ triển khai xây dựng, cá biệt có dự án còn nằm chờ trên giấy. Nguyên nhân dẫn đến việc triển khai xây dựng của các dự án chậm có nhiều, nhưng trở ngại lớn nhất mà nhiều chủ đầu tư gặp phải là khó khăn trong huy động nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ sẽ tránh tình trạng lãng phí đất công.
 
Dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Vân Long của Công ty cổ phần bất động sản Hợp Phát tại xã Gia Vân (Gia Viễn - Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận đầu tư ngày 25/11/2005, diện tích đất sử dụng là 16,2 ha, thời hạn thuê đất 49 năm, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2006 - 2008. Đến nay dự án đã hoàn thành công tác đền bù, GPMB, khảo sát thiết kế, thực hiện san lấp được 14,1 ha mặt bằng, xây tường rào, gia cố chân tường rào, đào và kè 2,1 ha hồ cảnh quan, trồng cây với giá trị thực hiện khoảng 22 tỷ đồng. Thời gian thực hiện của dự án chỉ còn 5 tháng nữa, song những hạng mục chính thì chưa triển khai. Để thực hiện được dự án này, chủ đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay và vốn huy động các đối tác. Vốn điều lệ của doanh nghiệp khi chấp thuận dự án là 13,5 tỷ đồng, khi triển khai thực hiện điều chỉnh tăng lên 60 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư mới chỉ huy động thêm được 4,7 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn được UNBD tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 6/8/2007, công suất 1,2 triệu tấn xi măng/năm, tại xã Phú Sơn (Nho Quan - Ninh Bình). Diện tích sử dụng đất của nhà máy 38,5 ha, đã hoàn thành GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng và bàn giao cho nhà đầu tư từ ngày 15/8/2007, với tổng số vốn đầu tư dự án 2.914 tỷ đồng, thời gian hoàn thành quý 4/2009. Dự án sử dụng 100% nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngày 2/2/2007, chủ đầu tư đã động thổ công trình xây dựng xong tường rào, đang triển khai xây dựng nhà điều hành, trạm xử lý nước, hệ thống điện thi công. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng tổng thầu (EPC - chìa khóa trao tay) với Tập đoàn công nghệ xi măng (Inekon Group) của Cộng hòa Czech. Ngày 20/6/2008, UBND tỉnh Ninh Bình đã làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Phú Sơn để đôn đốc công ty đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà máy và thống nhất rằng tiến độ xây dựng các hạng mục chính của nhà máy là rất chậm, yêu cầu công ty báo cáo rõ và có biện pháp khắc phục ngay. Theo UBND tỉnh Ninh Bình, dự án thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng nước ngoài, thủ tục giải ngân chậm do vậy nhà tổng thầu chưa khởi công, chủ đầu tư đã khắc phục thi công trước một số hạng mục bằng vốn của chủ đầu tư. Ban quản lý dự án của chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm triển khai dự án, lúng túng, thông tin chậm, không đầy đủ, chưa tập trung cho dự án...

Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái của Công ty cổ phần Đầu tư PV - Inconess được UBND tỉnh chấp thuận ngày 27/1/2005 gồm nhiều hạng mục có quy mô lớn, diện tích được giao 1.845,97 ha với tổng mức đầu tư 808,41 tỷ đồng. Dự án triển khai chậm do thời gian đền bù GPMB kéo dài, chủ yếu là do chủ đầu tư chưa tập trung và phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc đền bù và thu hồi đất. Chủ đầu tư hiện đang tập trung chủ yếu vào dự án sân golf, nên chưa chú trọng và thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái.

Trước sự triển khai "rùa bò" của các dự án, được biết UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều phương án, biện pháp giải quyết kiên quyết, dứt điểm. Với những dự án mà chủ đầu tư cố ý kéo dài, dự án có tư tưởng giữ đất, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các ngành chức năng không gia hạn giấy phép khai thác, tiến hành kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ yêu cầu bàn giao, thu hồi đất theo đúng quy định, nhưng điều quan trọng là rất nhiều khu đất đẹp của tỉnh đang bị lãng phí và bản thân các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết cũng bị thiệt thòi.

Hoàng Duy


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH