Để có được những thành tựu to lớn của y học hiện đại trong khám và điều trị bệnh như ngày nay thì nền y học này đã phải trải qua những bước đi chập chững đầu tiên với những đột phá quan trọng...
Xe cứu thương cơ giới
Xe cứu thương là nền tảng cho chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phút có thể là ranh giới của sự sống và cái chết do đó việc vận chuyển các nhân viên y tế đến với bệnh nhân hay chuyển bệnh nhân đến viện nhanh chóng là điều vô cùng quan trọng. Xe cứu thương sớm nhất trên thế giới là xe có ngựa kéo, lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường để vận chuyển binh lính bị thương đến nơi điều trị. Đến năm 1860, xe cứu thương của bệnh viện dành cho dân thường trong trường hợp khẩn cấp được giới thiệu nhưng mãi đến năm 1899 mới xuất hiện chiếc xe cứu thương cơ giới đầu tiên tại Chicago, Mỹ. Bài báo của Tờ New York Times ra ngày 11 tháng 9 năm 1905 đã mô tả chiếc xe này đi được khoảng hai mươi lăm dặm và tốc độ trên mười sáu dặm một giờ. Xe cứu thương ba bánh được giới thiệu vào năm 1905 và chiếc xe này vận hành bằng xăng. Đến năm 1909, James Cunningham đã sản xuất những chiếc xe cứu thương hàng loạt đầu tiên được trang bị động cơ đốt trong bốn xi lanh.
Xe cứu thương cơ giới đầu tiên.
Máy khử rung tim
Máy khử rung tim hay thiết bị khử rung tim là một trong những thiết bị y tế dễ nhận biết và nổi tiếng với khả năng đưa con người trở về từ cõi chết. Máy khử rung tim hoạt động bằng cách gây sốc tim trở về nhịp đập bình thường. Người đầu tiên trên thế giới sử dụng kỹ thuật khử rung tim là bác sĩ phẫu thuật Claude Beek. Năm 1947, kỹ thuật này được bác sĩ Beek sử dụng trên chó, sau đó được áp dụng trên một bệnh nhân mười bốn tuổi mắc bệnh tâm thất vị rung (VF). Trái tim của bệnh nhân này được xoa bóp bằng tay khoảng mười bốn phút trước khi thực hiện liệu pháp khử rung tim tiếp theo và kết quả phục hồi nhịp tim bình thường.
Truyền máu gián tiếp
Lịch sử truyền máu đã có từ thế kỷ XVII, ca thí nghiệm đầu tiên được thực hiện giữa các động vật với nhau, sau đó là từ động vật sang người và cuối cùng là từ người sang người. Nhưng vấn đề gặp phải là máu sau khi ra ngoài cơ thể chỉ trong vòng một vài phút sẽ bị đông lại và vón cục. Ca truyền máu gián tiếp đầu tiên trên thế giới không đi trực tiếp từ người sang người là của bác sĩ người Bỉ, Albert Hustin được thực hiện vào năm 1914. Anbert Hustin đã lấy máu của chính mình pha với natri citrat và glucose - là tác nhân chống đông máu. Vài tháng sau đó, bác sĩ Luis Agote ở Argentina cũng thực hiện một thủ thuật tương tự có tên Citration cho phép máu hiến tặng lưu trữ được lâu hơn.
Những viên thuốc dạng bột
Từ đầu thế kỷ 19, con người đã nỗ lực cho ra đời những viên thuốc có chứa các hóa chất nhưng xuất hiện nhiều vấn đề như lớp ngoài bao phủ thuốc thường khó hòa tan và thuốc dễ hấp thụ ẩm dẫn đến ảnh hưởng chất lượng các thành phần của thuốc. Năm 1843, một nghệ sĩ người Anh William Brockedon đã gặp phải vấn đề tương tự khi dùng các loại bút chì graphit vì vậy Brockedon đã phát minh ra một chiếc máy ép đến nén bột than chì thành lõi chì vừa rắn vừa không hút độ ẩm. Sáng kiến này đã được các hãng dược phẩm mua lại và ứng dụng vào sản xuất hàng loạt các loại dược phẩm dạng viên và công nghệ này đã được cải tiến và vận hành đến ngày hôm nay.
Ca phẫu thuật đầu tiên được gây mê
Phẫu thuật hiện đại có thể làm được mọi thứ nhưng chúng chỉ có thể đạt được nhiều thành tựu như vậy khi có thuốc gây mê. Thủ thuật gây mê toàn thân lần đầu tiên diễn ra vào năm 1804 được thực hiện bởi bác sĩ người Nhật Seishu Hanaoka. BS. Hanaoka đã đưa hỗn hợp các chất chiết xuất từ thực vật để gây tê cho một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị ung thư vú. Hợp chất này có tác dụng giảm đau từ 2-4 giờ đồng hồ. Hỗn hợp này không an toàn như thuốc gây tê hiện đại nhưng nó chắc chắn có hiệu quả và thời gian gây mê kéo đủ để BS. Hanaoka thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần của tuyến vú. Khi mà ý tưởng về thuốc gây mê mới chỉ bắt đầu hình thành ở y học phương Tây thì BS. Hanaoka đã tiến hành hơn 150 ca phẫu thuật ung thư vú bằng phương pháp gây mê của mình.
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên
Thử nghiệm lâm sàng cho phép chúng ta biết điều gì có thể và không thể được ứng dụng trong y học. Cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được thực hiện trên một con tàu với 12 bệnh nhân là thủy thủ đoàn - những người mắc bệnh suy dinh dưỡng. Họ được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm hai người và được điều trị theo các cách khác nhau: Dùng giấm, nước biển, nước hoa quả, nước cam quýt. Cuối cùng cho thấy nguyên nhân của bệnh là do thiếu vitamin C do đó nhóm dùng cam quýt mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, phục hồi gần như hoàn toàn. Bác sĩ James Lind, người chịu trách nhiệm thực hiện ứng dụng lâm sàng cho thấy kết luận của ông về bệnh suy dinh dưỡng là đúng và ông đã vô tình khẳng định nó bằng thử nghiệm lâm sàng.