Các đơn vị sự nghiệp công sẽ tiến tới hạch toán như doanh nghiệp

09-08-2014 8:00 AM | Thời sự

SKĐS - Ngày 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm

Ngày 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và định hướng kế hoạch năm 2015 do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/8/2014.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc xây dựng văn bản, chính sách, Bộ Y tế cần rà soát lại, khắc phục những điểm chưa sát với thực tế, từ đó, hạn chế các bất cập nảy sinh. Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm tra, xem xét nghiêm túc các vụ việc như lạm dụng bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh... qua đó, ban hành những quy định cần thiết để ngăn chặn, hạn chế.

Về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp trong ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sắp tới sẽ ban hành Nghị định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính trong các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công (trong đó có đơn vị sự nghiệp ngành y tế) theo tinh thần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, có lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện phát triển, phù hợp với túi tiền của người dân. Các đơn vị sự nghiệp công (chủ yếu là y tế, giáo dục) tiến tới cơ chế hạch toán tương tự như doanh nghiệp, có quyền tự chủ cao. Cơ sở hạch toán trên tinh thần tạo môi trường thuận lợi cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh, tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; cải tạo nâng cấp khu vực khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm số lượt khám trong ngày của bác sĩ để từng bước giảm tình trạng quá tải, nằm ghép; tập trung triển khai 15 dự án Bệnh viện vệ tinh của các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản khoa, ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình; tăng cường giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Ngọc Thành

 

Tại hội nghị, chúng tôi đã ghi lại một số ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về giảm tải, đổi mới và nâng cao chất lượng KCB; công tác phòng chống dịch bệnh; chính sách y tế dự phòng...

BS. Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ:

“Cải tiến quy trình khám chữa bệnh là một trong những giải pháp quan trọng”

Đối với tỉnh Phú Thọ, công tác KCB từng bước được nâng lên ở tất cả các tuyến, các bệnh viện đã thực hiện tốt các dịch vụ kỹ thuật, giảm tối đa sự chờ đợi của người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Trong đó, cải tiến quy trình khám chữa bệnh là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ngành y tế Phú Thọ đã vào cuộc quyết liệt đồng bộ từ Sở Y tế đến toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh với công việc cụ thể như: mở rộng cơ sở vật chất khoa khám bệnh, bố trí thêm các bàn khám, tăng cường nhân lực tham gia khám bệnh, tăng cường kỹ năng mềm cho cán bộ làm công tác đón tiếp, hướng dẫn, đồng thời công khai quy trình khám bệnh cho từng đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin lấy số khám tự động đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng, vì thế đã rút thời gian chờ khám trung bình từ 24 phút xuống còn 16 phút, thời gian khám lâm sàng từ 62 phút còn 31 phút...

Bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình:

“Cần có cơ chế chính sách thu hút đào tạo cán bộ làm YTDP”

Hiện nay, chính sách đặc thù cho cán bộ YTDP chưa cải thiện  (tương đương với người làm công tác điều trị) trong khi đây là lĩnh vực làm việc lưu động, thu nhập thấp. Ngoài ra, bác sĩ làm y tế dự phòng vẫn bị phân biệt, hiện cán bộ làm YTDP đa số là bác sĩ đa khoa, họ vẫn phải khám sức khỏe cho người lao động ở các doanh nghiệp, khám chữa bệnh khi chống dịch ở cộng đồng, các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng ở các địa phương, khó khăn về cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, những điều đó càng khó thu hút nhân lực làm công tác YTDP. Vì thế cần có cơ chế chính sách thu hút đào tạo cán bộ và tạo môi trường làm việc cho họ.

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH