Hà Nội

Các đối tượng hành hung nhân viên y tế: Phải coi là tình tiết tăng nặng

17-07-2017 08:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vừa ra tạm giữ đối tượng đập máy đo huyết áp vào đầu bác sĩ cấp cứu tại BVĐK Việt Yên, Bắc Giang sáng 12/7.

Đáng chú ý, vụ việc chỉ xảy ra chưa đầy 1 tháng khi một vụ hành hung bác sĩ tại BV Thể thao Việt Nam mà đối tượng cũng đã bị bắt giữ và ít ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung Điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung nhân viên y tế…

Bắt đối tượng hành hung BS tại Bắc Giang

Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 14/7 đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Tú (SN 1991) trú thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.

Các đối tượng hành hung nhân viên y tếTrích xuất camera, đối tượng áo đen đứng bên giường bệnh đã tỏ ra khá hung hăng ngay từ khi mới vào viện.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, rạng sáng ngày 12/7, Tú gặp anh Ngô Văn Thủy (SN 1987) ở xã Đồng Phúc (Yên Dũng, Bắc Giang) cùng 4 người bạn khác tại một quán ăn ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh. Do say rượu, Tú đã to tiếng và dùng cốc thủy tinh ném vào đầu anh Thủy. Nhóm bạn của Tú đã đưa anh Thủy đi cấp cứu tại BVĐK huyện Việt Yên. Đối tượng Tú cũng đi theo vào bệnh viện. Tại bệnh viện, tưởng Tú là người thân của bệnh nhân nên các cán bộ y tế yêu cầu Tú đi làm thủ tục nhập viện cho anh Thủy. Lúc này, Tú chửi bới và có lời lẽ xúc phạm đến các y, bác sĩ. Không dừng ở đó, đối tượng còn dùng máy đo huyết áp bất ngờ tấn công vào vùng đầu của BS. Nguyễn Văn Long - khoa Ngoại của BV. Hậu quả, BS. Long bị chấn động não, đụng giật nhãn cầu, vùng đầu phải khâu 5 mũi.

Các đối tượng hành hung nhân viên y tếTrích xuất camera tại  BV cho thấy, sau khi hành hung bác sĩ, đối tượng ra khỏi BV mà không gặp trở ngại nào.

Trước đó chưa đầy 1 tháng, đối tượng Trần Tuấn Anh (25 tuổi, ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) - một trong hai kẻ hành hung BS. Phạm Đình Vinh tại Khoa Y học cổ truyền của BV Thể thao Việt Nam cũng đã bị Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiến hành bắt khẩn cấp (đối tượng còn lại là Tô Văn Quý (ở Thái Bình) đang bỏ trốn).

Đáng chú ý, nhiều nhân viên y tế đang công tác tại các BV cho rằng những thông tin về nạn bạo hành y tế được dư luận biết tới mới chỉ là một phần về thực tế. Đâu đó trong khắp các BV cả nước, đối mặt của đội ngũ thầy thuốc hiện nay không chỉ là áp lực lớn trong việc khám, chữa bệnh mà hàng ngày, hàng giờ họ còn đối mặt với căng thẳng, đe dọa dẫu chưa bằng hành động từ người nhà bệnh nhân như chửi bới, đe nẹt, lấy số đông gây áp lực…

Đòi hỏi của một nền y tế văn minh

Trong một hội nghị bàn về vấn đề tăng cường an ninh bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức hồi đầu năm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, những vụ điển hình về mất an ninh, trật tự gần đây thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Các đối tượng hành hung nhân viên y tếĐối tượng Tú - kẻ hành hung bác sĩ tại BVĐK huyện Việt Yên, Bắc Giang tại cơ quan điều tra.

Có rất nhiều vụ việc được coi là “nhẹ” như người nhà xúc phạm, mắng chửi đội ngũ y tế, dùng lời nói đe dọa tính mạng... cũng đều được bác sĩ “dĩ hòa vi quý” bỏ qua, không phản kháng, không kêu gọi sự can thiệp của đội ngũ an ninh bệnh viện. Nhiều trường hợp nhẫn nhịn, nhịn nhục để làm giảm sự căng thẳng với người nhà bệnh nhân.

Quá bức xúc trước vấn nạn hành hung nhân viên y tế, đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người đang chăm sóc sức khỏe cho mình.

Ông cho biết: Tôi sẽ tiếp tục đề nghị ban hành đạo luật riêng chống bạo hành nhân viên và các cơ sở y tế. Với tư cách là bác sĩ, tôi sẽ kêu gọi các hội chuyên ngành tham gia sâu hơn về lĩnh vực này như thành lập các forum để trao đổi, thảo luận tìm các phương pháp hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công an ra các nghị định dưới luật để chống bạo hành y tế và các đối tượng đã từng bạo hành y tế.

Các đối tượng hành hung nhân viên y tếBS. Long phải khâu nhiều mũi trên đỉnh đầu cùng một số triệu chứng đau khác sau khi bị đối tượng hành hung.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tại các nước phát triển, bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế, cho dù chỉ là lời nói, đều bị trừng phạt rất nặng. Thiết nghĩ, hiện ngành y tế đang rất cần cơ chế riêng để bảo vệ nhân viên y tế khi đang khám, chữa bệnh.

Sự lên án dữ dội của dư luận và việc vào cuộc quyết liệt của cơ quan công an điều tra trong những vụ việc hành hung nhân viên y tế gần đây đã cho thấy mức độ báo động của tình trạng này. Chỉ khi những cơ chế đặc thù bảo vệ nhân viên y tế trong lúc thi hành chức phận của mình phát huy tác dụng, người thầy thuốc mới thực sự toàn tâm toàn ý, giải tỏa nỗi lo căng thẳng trước các mối đe dọa đang hiện hữu bấy lâu nay. Ứng xử hòa nhã, tôn trọng thầy thuốc - đó thực sự là một nét văn hóa không thể thiếu của một nền y tế văn minh và không thể chỉ từ một phía nhân viên y tế.


Bình An
Ý kiến của bạn